Làm sao đảm bảo tòa án độc lập xét xử?

Tại phiên họp thảo luận về Luật Tổ chức TAND sửa đổi vào chiều 3-6, đại biểu (ĐB) Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM) nêu ý kiến: Để đảm bảo nguyên tắc độc lập xét xử thì trước hết cần thay đổi cơ chế về thẩm phán, nên bổ nhiệm thẩm phán không thời hạn hoặc nhiệm kỳ 10 năm/lần.

Tổ chức tòa án có nên theo đơn vị hành chính?

Theo ĐB Ánh, trên thực tế ngoại trừ một số thẩm phán bị kỷ luật, còn hầu hết đều được tái bổ nhiệm mà không phải trải qua kỳ sát hạch nào. Vậy nên việc bổ nhiệm năm năm/lần cũng không có ý nghĩa tích cực mà có thể ảnh hưởng công việc xét xử. “Tôi đã trải qua năm lần tái bổ nhiệm. Mỗi lần tôi phải trải qua rất nhiều khâu, nhiều ban ngành, tổ chức đảng, đoàn thể đánh giá, ít nhiều tạo tâm lý không yên tâm, làm nguyên tắc độc lập của thẩm phán bị hạn chế, nhất là gần thời điểm xem xét tái bổ nhiệm” - vị phó chánh án TAND TP.HCM bày tỏ tâm tư.

ĐB Hồ Thị Thủy (Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) bổ sung: “Cần có quy định cụ thể việc tòa án khi xét xử không bị giới hạn về tội danh và khung hình phạt mà VKSND đã truy tố. Cần phải tổ chức tòa án không theo đơn vị hành chính để tránh tác động từ chính quyền địa phương. Vì vậy nhất trí với phương án thành lập TAND sơ thẩm khu vực”.

Đại biểu Quốc hội TP.HCM Huỳnh Ngọc Ánh phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Có độc lập xét xử nổi không?

Hoài nghi những đề xuất cải cách cơ chế tòa án, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Phó Trưởng đoàn BĐQH tỉnh Hòa Bình) cho rằng nên giữ nguyên tổ chức hệ thống TAND như hiện nay, tức duy trì TAND cấp quận/huyện. Ông phản đối việc tổ chức TAND sơ thẩm khu vực vì không thuận lợi cho người dân khi có việc đến tòa án phải di chuyển xa. “Có dân chủ, khách quan hay không khi địa phương không còn được quyền tham gia và có ý kiến trong việc bổ nhiệm thẩm phán?” - ĐB Sinh lo lắng.

Cũng theo ĐB Sinh, việc cải cách hệ thống tổ chức tòa án trong dự thảo chưa thể đảm bảo tính độc lập xét xử của tòa án cấp dưới bởi vẫn chưa thoát khỏi thẩm quyền quản lý của TAND cấp trên. “Còn phụ thuộc về quản lý kinh phí, nhân sự thì có độc lập nổi không?” - ông đặt vấn đề.

ĐB Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) lại thêm nỗi lo: “Sự lãnh đạo của cấp ủy và giám sát của HĐND đối với tòa án sơ thẩm khu vực sẽ thế nào nếu tổ chức tòa án không theo địa giới hành chính?”. Một số ĐB khác còn e ngại việc đổi mới tổ chức TAND, thành lập các cấp tòa mới sẽ tăng bộ máy, đồng thời việc bổ nhiệm thẩm phán trọn đời hay tăng thời gian nhiệm kỳ thẩm phán sẽ tạo tâm lý “bình an”, không cẩn trọng trong xét xử.

Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ (Đoàn ĐBQH An Giang) khẳng định việc thành lập các cấp tòa mới (TAND cấp cao, TAND sơ thẩm khu vực) dựa trên cơ sở ba tòa phúc thẩm - TAND Tối cao và sáp nhập các TAND quận/huyện hiện tại nên không làm tăng bộ máy tòa. Còn về chất lượng xét xử vẫn có cơ chế kiểm soát chặt chẽ trách nhiệm của thẩm phán. Nếu họ sai phạm có thể kỷ luật bãi miễn chứ không bị ảnh hưởng bởi nhiệm kỳ thẩm phán.

E ngại chồng lấn thẩm quyền TAND - VKSND

ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đề nghị bỏ một số quy định trong dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi không phù hợp với Hiến pháp 2013. Theo đó, cần bỏ quy định chức năng, nhiệm vụ của TAND trong việc “kiểm tra, kết luận tính hợp pháp và có căn cứ của các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng”. Lý do là không nên tập trung quyền lực quá nhiều vào một cơ quan để tránh lạm quyền. Hơn nữa, điều này trùng lắp với vai trò kiểm soát hoạt động điều tra thuộc trách nhiệm của VKSND.

ĐB Nguyễn Trọng Trường (Bắc Ninh) phản biện: Việc giao cho TAND kiểm tra, kết luận về tính đúng đắn của các hành vi và quyết định tố tụng trong suốt quá trình tố tụng không trùng lắp với hoạt động của VKS. Trong trường hợp phát hiện có sai phạm trong hoạt động tố tụng thì VKS chỉ có quyền kiến nghị mà không có quyền xử lý, trong khi TAND có thẩm quyền để giải quyết.

BÌNH MINH

 

“Sao những chỗ nhân dân bức xúc lại vắng mặt đại biểu Quốc hội?”

Câu hỏi này được ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nêu ra tại phiên thảo luận ngày 3-6 về dự thảo Luật Tổ chức QH sửa đổi. Theo ông Nghĩa, cần phải làm sâu sắc thêm nội dung ĐBQH gắn bó mật thiết với cử tri nhân dân.

“Chúng ta ngồi đây, ngồi ở trong phòng máy lạnh thì cũng phải gắn bó với nhân dân và cử tri. Chúng ta nói là gắn bó nhưng sao nhiều vấn đề nhân dân bức xúc lại không thấy mặt ĐBQH? Tại sao các cuộc biểu tình, tuần hành của nhân dân thời gian qua không thấy mặt các ĐBQH? Nhưng nếu ông ĐB nào có mặt ở đó thì sẽ lại bị nhắc nhở ngay là “sao ông lại ở đó”? Song chỗ đó nhân dân đang bức xúc chứ còn chỗ nào nữa” - ông Nghĩa nói.

Đối với đề xuất tăng số lượng ĐBQH chuyên trách lên con số 35% và tiếp tục tăng dần trong các nhiệm kỳ tiếp theo, qua thảo luận phần lớn các ĐB đều đồng tình. Tuy nhiên, theo ĐB Đỗ Văn Đương (Thường trực Ủy ban Tư pháp) chất lượng ĐB chuyên trách thời gian qua có vấn đề. Đây cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “Luật pháp ngày càng rối rắm, dài mà đọc không hiểu gì cả”; còn giám sát thì toàn “cưỡi ngựa, xem hoa” nên tác động trở lại đối với cơ quan bị giám sát rất yếu. “Chúng ta phải có tiêu chuẩn cụ thể về chuyên trách, phải đánh giá hằng năm xem ĐB chuyên trách làm được việc gì? Đồng thời nếu mạnh dạn thì bỏ hết phó chủ nhiệm, chỉ cần chủ nhiệm ủy ban và các ĐBQH chuyên trách thôi”.

 Ông Đương cũng đề nghị cần phải làm rõ nhiệm vụ của các ủy ban trong việc thẩm tra, xây dựng các dự án luật. Bởi theo quy định khi xây dựng các luật thì trong lần đầu trình, các ủy ban thường thay mặt Ban soạn thảo giải trình. Nhưng đến lần thứ hai thì sẽ do Ủy ban Thường vụ QH giải trình. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Ban soạn thảo bị giải thể luôn và như thế tính tranh luận đến cùng là không có.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm