Làm sao giám sát bữa ăn bán trú ở trường học?

(PLO)- Trên địa bàn TP Thủ Đức có năm trường học đã và sẽ tạm ngưng bữa ăn bán trú từ ngày 30-10.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cuối tuần qua, thông tin phụ huynh phản ánh về đơn vị cung cấp suất ăn bán trú của Trường Tiểu học Phú Hữu, TP Thủ Đức không đảm bảo an toàn khiến nhiều phụ huynh lo lắng.

Tạm ngưng tổ chức bán trú, tìm đối tác mới

Đơn vị cung cấp suất ăn bán trú của Trường Tiểu học Phú Hữu là Công ty TNHH P (tên công ty đã được chúng tôi viết tắt, trú đóng tại TP Thủ Đức). Công ty này cung cấp bữa ăn cho rất nhiều đơn vị, không chỉ học sinh (HS) mà còn cả các đối tượng khác.

Sau khi họp phụ huynh, Trường Tiểu học Phú Hữu đã tạm ngừng bữa ăn bán trú với Công ty TNHH P từ ngày 26-10.

Không chỉ phụ huynh Trường Tiểu học Phú Hữu mà anh HG, phụ huynh Trường Tiểu học Phước Thạnh, TP Thủ Đức (nơi có Công ty P cung cấp suất ăn bán trú), cũng bức xúc khi phát hiện bữa ăn của con không đảm bảo an toàn thực phẩm.

bua-an-ban-tru
Phụ huynh Trường Tiểu học Nguyễn Trường Tộ, quận 4 đến kiểm tra bữa ăn bán trú của con. Ảnh: NTCC

Sau khi anh phản ánh, trường cũng đang họp phụ huynh liên quan đến bữa ăn theo chỉ đạo của Phòng GD&ĐT TP Thủ Đức.

Sau cuộc họp, do công ty trên chưa tạo được sự yên tâm trong cha mẹ HS, để đảm bảo an toàn thực phẩm, trường tạm ngưng công tác bán trú từ ngày 30-10. Trong thời gian này trường sẽ tìm kiếm các đơn vị cung cấp suất ăn khác.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP Thủ Đức, nếu công ty cung cấp suất ăn công nghiệp không đáp ứng yêu cầu thì các trường phải mạnh dạn tìm đối tác mới để hợp tác trên tinh thần đặt quyền lợi của HS, chất lượng bữa ăn lên trên hết.

Sau sự việc trên, anh G cho rằng để đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú, trường cần tìm được nhà cung cấp dịch vụ có tâm, uy tín.

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP Thủ Đức, cho hay đến nay có năm trường học đã và sẽ tạm ngưng bữa ăn bán trú từ ngày 30-10. Đó là Trường Tiểu học Trường Thạnh, Trường THCS Trường Thạnh, Trường Tiểu học Phước Thạnh, Trường Tiểu học Long Thạnh Mỹ và Trường Tiểu học Phú Hữu.

Toàn bộ các trường này đều sử dụng suất ăn bán trú công nghiệp cho HS từ Công ty P nói trên.

Kiểm tra đột xuất ba lần/tháng

Ông Phan Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trường Tộ, quận 4, cho biết tiêu chí đầu tiên khi lựa chọn đơn vị cung cấp suất ăn là công ty có thương hiệu với đầy đủ giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm. Đặc biệt công ty này tổ chức theo quy trình khép kín một chiều. Thức ăn sau khi chế biến được đóng khay chuyển đến trường trong thời gian 2 tiếng, đảm bảo HS ăn vẫn nóng và thơm ngon.

Cũng theo ông Tuấn, việc kiểm tra đột xuất thực tế đơn vị cung cấp bữa ăn bán trú là hoạt động thường niên. Đoàn kiểm tra gồm ban lãnh đạo trường, nhân viên y tế, ban đại diện cha mẹ HS. Quá trình kiểm tra sẽ giám sát tất cả khâu từ quy trình nhập nguồn hàng, sơ chế, chế biến cho đến ra thành phẩm. Mỗi học kỳ thực hiện kiểm tra đột xuất hai lần.

Trường cũng mời phụ huynh đến dự bữa ăn bán trú cùng con. Trường luôn lắng nghe ý kiến của phụ huynh góp ý để điều chỉnh phù hợp. Thực đơn cũng như đơn vị cung cấp suất ăn đều được trường công khai trên website của trường để phụ huynh nắm.

Bữa ăn bán trú của HS Trường Tiểu học Nguyễn Trường Tộ có giá 34.000 đồng, gồm bữa ăn chính và bữa xế.

w-P13_bua-an-ban-tru-h2.jpg
Ban lãnh đạo Trường Tiểu học Nguyễn Trường Tộ, quận 4 cùng ban đại diện cha mẹ học sinh kiểm tra đơn vị cung cấp suất ăn bán trú của học sinh. Ảnh: NTCC

Bà Hứa Thị Diễm Trâm, Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh, cho biết trường tổ chức suất ăn công nghiệp cho hơn 1.500 HS nên vấn đề đảm bảo an toàn luôn được đặt lên hàng đầu.

Mỗi tháng trường sẽ đến đơn vị bếp ăn kiểm tra đột xuất ba lần. Tuy nhiên, các đoàn kiểm tra sẽ không đi tập trung với nhiều thành phần, phân thành từng tốp riêng lẻ. Quá trình kiểm tra sẽ đi từ sáng sớm, sau khi kiểm tra sẽ có biên bản giữa trường và bếp ăn.

Tại Trường THCS Hà Huy Tập, phụ huynh có thể vào trường kiểm tra nhà vệ sinh cũng như bữa ăn bán trú của con bất cứ lúc nào. Đặc biệt, từ năm ngoái, trường đã giao bộ phận y tế trường lấy ý kiến về bữa ăn đối với các cô bảo mẫu và HS. Những ý kiến góp ý sẽ được thống kê và trình ban lãnh đạo trường để liên hệ bếp ăn giải quyết.

“Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa trường và bên đối tác cung cấp mà bữa ăn ngày càng được cải thiện” - bà Trâm nói.

Tại Trường THCS Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh có đến 80% HS tham gia bữa ăn bán trú với 1.800 HS.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường, ngoài việc phối hợp với phụ huynh kiểm tra định kỳ, đột xuất đơn vị cung cấp thì việc lắng nghe ý kiến của HS về bữa ăn cũng đóng vai trò quan trọng.

“Mỗi ngày, ban lãnh đạo trường luân phiên đi kiểm tra giờ ăn bán trú của HS. Ban lãnh đạo trường xem suất ăn có đảm bảo, ghi nhận những ý kiến của HS về suất ăn. Từ đó có sự góp ý kịp thời đến đối tác cung cấp” - ông Tuấn nói thêm.

Lập đoàn kiểm tra liên ngành

UBND TP Thủ Đức đã có Công văn 555 về kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn TP đối với bếp ăn tập thể, căn tin, dịch vụ ăn uống trong trường học trên địa bàn TP xuyên suốt năm học 2023-2024.

Ngoài công văn trên, với thực tế được phụ huynh phản ánh, UBND TP Thủ Đức sẽ phối hợp với các sở, ngành tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành các đơn vị chế biến thực phẩm trên địa bàn.

Ông NGUYỄN THÁI VĨNH NGUYÊN, Trưởng phòng GD&ĐT TP Thủ Đức

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm