Làng quê tôi sinh ra, hiện có khoảng 6.000 người thì khoảng 2.000 người di dân, di cư quanh năm. Họ tập trung đông ở Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai, làm công việc dành cho lao động phổ thông, mưu sinh từng ngày.
Khi dịch bùng phát ở Sài Gòn, sau đó bùng phát rộng ra Bình Dương, Đồng Nai, họ trở về quê nhà theo ba cách: một là nhanh chóng lên những chuyến xe đò cuối cùng hồi tháng sáu; hai là bất đắc dĩ đi xe máy (số người này ít); ba là thuê xe cá nhân 7 chỗ được phép di chuyển (với giá từ 3 đến 6 triệu một người) hồi cuối tháng bảy đầu tháng tám để về, được cách ly 21 ngày, sau đó đoàn tụ gia đình.
Trong những người về ấy, ai nấy đều an toàn, vui tươi sống quây quần với gia đình. Họ "thoát khỏi" tâm dịch, nhưng theo dõi và lo lắng cho những người không may mắn ở lại. Những người ở lại, không phải ai cũng có tài khoản ngân hàng, không phải ai có tài khoản ngân hàng đều có đăng ký thanh toán trực tuyến (internet banking) và chưa kể những người trong số họ là lao động phổ thông với điện thoại "cục gạch". Tiền tiết kiệm khi đi làm, họ dành dụm gởi cho gia đình ở quê, con cái học hành, phần nữa gởi ngân hàng làm của để dành. Vì vậy mà, những người "ở lại" chờ đợi từng ngày khôi phục đời sống để tiếp tục mưu sinh.
Chiều nay, nghe ông cậu gọi điện, nói rằng đang đi gặt lúa thuê cho nông dân ở tận tỉnh Ninh Bình. Kinh tế thì eo hẹp, Sài Gòn thì chưa được đến, có việc gì làm ra tiền thì làm. Những ngày Sài Gòn cho hoạt động hạn chế vừa qua, người dân ở khắp các vùng miền lũ lượt tìm đường về quê thì cũng có không ít người dân ở các miền quê lại mong ngóng ngày vô miền Nam làm việc.
Bốn tháng qua, người nông dân thứ thiệt thất nghiệp trên ruộng đồng của chính mình. Có gia đình đi làm ăn xa nên đã chuyển nhượng ruộng đất, không còn ra đồng canh tác, với họ thì 3 tháng làm một sào ruộng vừa cực nhọc nắng mưa, sâu bệnh...mà thu hoạch lại chưa bằng ít ngày công nơi đô thị, khu công nghiệp. Một số gia đình giữ lại ruộng đất, ít sào đó chỉ canh tác lấy gạo ăn quanh năm, bây giờ máy móc làm hết, thay vì nửa tháng đến một tháng mới xong vụ thu hoạch và làm vụ mới, thì nay chỉ dăm ngày là xong vụ mùa. Người nông dân "nông nhàn" bất đắc dĩ. Người nông dân ngồi chơi, hút thuốc lào, uống nước chè (trà) đặc ưu tư về kinh tế gia đình.
Nền nông nghiệp ở quê tôi chưa phát triển và đang đi xuống, khi chỉ có cây lúa và nuôi ít con gà, con vịt, con heo....nói chi đến kinh tế nông thôn. Đa phần nguồn thu của các gia đình phụ thuộc vào người di cư, tha hương. Họ lao động xa nhà, mỗi năm về ít ngày lễ tết. Họ mong ngóng cuộc sống quầy quần bên gia đình, họ chờ đợi tình làng nghĩa xóm buổi sớm mai hay chiều tà...nhưng chỉ đôi ba ngày trong năm. Vì với họ, nếu không đi làm ăn xa nơi phố thị, không gì đảm bảo đời sống gia đình. Bây giờ, co cụm với nhau vì đại dịch, có niềm vui vợ chồng con trẻ, nhưng lo lắng về cơm áo, tiền sinh hoạt học hành của con cái và mối lo tuổi già đau yếu. Ngậm ngùi chia xa để ra đi, nhưng làm sao quay lại Sài Gòn đây?
Làng quê tôi tại Nghệ An, không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi dịch, giờ muốn đi làm lại tại các tỉnh miền Nam mà chưa chích vaccine vì không phải khu vực ưu tiên. Phải làm sao trở lại làm việc là một câu hỏi với rất nhiều người dân vào lúc này. Các phương tiện giao thông còn hạn chế, tàu xe chưa sẵn sàng trong khi các khu công nghiệp, các ngành dịch vụ không tên dành cho lao động phổ thông thì đang "khát" nhân công. Ví dụ như công nhân tại các cơ sở kinh doanh nhỏ, lao động thu gom phế liệu, ve chai, bán hàng rong... là những công việc dễ làm và không cần bằng cấp có thể tham gia lực lượng lao động ngay khi đến Sài Gòn.
Người nông dân cần việc làm để có thu nhập, chính quyền thành phố cần khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vậy thì, ngay lúc này cần có chính sách tốt để người dân quay trở lại làm việc chứ không phải để họ bất an “tháo chạy” lần 3 khỏi Sài gòn như mấy ngày vừa rồi.
Theo tôi, các chủ cơ sở kinh doanh, các khu phố, công an khu vực, các cơ sở sản xuất nhỏ, các dãy nhà trọ...cần phối hợp với cơ quan hữu trách để dự liệu số liều vaccine dự kiến. Nhằm chích cho các đối tượng lao động được phép quay trở lại làm việc. Người đứng đầu các cơ sở kinh doanh, sản xuất có thể tận dụng lao động cũ mà hiện nay về quê tránh dịch, đưa họ quay trở lại, chích vaccine, chỉ sau 14 ngày chích mũi 1 thì họ có đủ điều kiện làm việc. Từ 4 đến 6 tuần là lao động quay lại có thẻ xanh COVID-19. Khi đó sẽ thuận tiện cho cả ba bên là chính quyền, doanh nghiệp và người lao động.
(PLO)- Theo đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, bên cạnh mở rộng các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, TP.HCM cũng đang lo thiếu nguồn lao động.