Trên khắp châu Âu, hàng loạt chính trị gia lão làng gạo cội đã bị cử tri các nước gạt sang một bên để nhường đường cho những gương mặt trẻ, mang theo đó niềm hy vọng về một làn gió mới trên chính trường.
Tài không đợi tuổi
Chỉ trong vòng một năm qua, liên tiếp Pháp, Ireland, Estonia và mới nhất là Áo đã bầu những chính trị gia tuổi đời chưa tới 40 trở thành lãnh đạo mới cho đất nước. Cũng trong vòng bốn năm qua, Hy Lạp, Bỉ, Luxembourg và Malta cũng bầu chọn những lãnh đạo chính phủ chưa quá 45 tuổi.
Người trẻ nhất trong số họ là thủ tướng tương lai của Áo Sebastian Kurz, chỉ mới 31 tuổi - được mệnh danh là “thần đồng” trên chính trường quốc gia Trung Âu. Người ngoài có thể cảm nhận rõ làn gió mới mà chính trị gia điển trai sinh năm 1986 mang đến cho đảng Nhân dân Áo (OVP). Đảng này rũ bỏ sắc màu đen truyền thống để khoác lên mình sắc áo xanh da trời. Lãnh đạo đảng trẻ tuổi xuất hiện trước đám đông với phong cách trẻ trung, không cravat và có một bàn làm việc… không có ghế ngồi. Đó là biểu hiện của sự năng động và hợp trào lưu của những người trẻ thuộc thế hệ “millennial” (thế hệ thiên niên kỷ).
Dù những nhà lãnh đạo như Macron hay Kurz có tuổi đời trẻ đến kinh ngạc, những bộ máy chính trị mà họ dẫn dắt thật ra không có mấy sự thay đổi. Chẳng hạn thủ tướng Áo tương lai Sebastian Kurz lại đang lãnh đạo một trong những đảng phái “già” nhất nước này, được mệnh danh là “đảng lập vua” của nước Áo vì thường góp phần tạo liên minh cầm quyền, theo Local (Pháp).
Chương trình vận động bầu cử của Kurz cũng nhấn mạnh các chính sách mang màu sắc bảo thủ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng tìm được sự ủng hộ bằng phong trào chính trị trung hữu, phần nào ủng hộ các giá trị bảo thủ nhưng không quá cực đoan. Chính sự pha trộn giữa trẻ trung và truyền thống này đã khiến các chính trị gia tài không đợi tuổi được lòng cử tri.
Cả Kurz hay Macron dù trẻ về tuổi đời nhưng về “tuổi chính trị” thì không hề non trẻ. Cả hai đều từng đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo cấp bộ trưởng và đều tham gia vào đời sống chính trị từ rất sớm. Sebastian Kurz dù đã hoãn chương trình học tại ĐH Luật ở Vienna nhưng đã tham gia vào Hội đồng TP từ năm 25 tuổi, rồi đến năm 27 tuổi thì được bổ nhiệm làm ngoại trưởng trẻ nhất tại châu Âu. Bốn năm lãnh đạo Bộ Ngoại giao Áo, Kurz để lại một loạt dấu ấn lớn như hoàn thành công tác chủ nhà cho đàm phán chương trình hạt nhân Iran hay thương thuyết khủng hoảng tị nạn.
Còn ông Emmanuel Macron vào năm 34 tuổi đã trở thành phó tổng thư ký của văn phòng tổng thống - điện Élysée. Chỉ hai năm sau, ông tiếp tục được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính trong nội các của Tổng thống Françoise Holland. Trước khi bắt đầu chiến dịch tranh cử năm 2015, Macron còn thúc đẩy Quốc hội Pháp thông qua được một đạo luật mang tên mình - “Luật Macron”, hướng đến kích thích nền kinh tế Pháp và thay đổi khu vực công.
Ngoại trưởng Sebastian Kurz (phải) sẽ sớm trở thành tân thủ tướng Áo khi mới 31 tuổi. Ảnh: GETTY
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là nhà lãnh đạo trẻ nhất của đất nước hình lục lăng từ thời Napoleon đến nay. Ảnh: REUTERS
Liên tiếp các nhà lãnh đạo trẻ xuất hiện đang báo hiệu một làn gió chính trị mới tại châu Âu. Ảnh: AFP
Làn gió trẻ trên lục địa già
Susi Dennison, chuyên viên nghiên cứu chính sách cấp cao tại Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại, cho rằng người dân các nước châu Âu đang ngày càng không hài lòng về thế hệ những chính trị gia đã thành danh. Những vấn đề như bất bình đẳng xã hội, phân biệt đối xử, liên tiếp các cuộc khủng hoảng tài chính, cũng như dòng thác người nhập cư và người tị nạn đã khiến người dân mất niềm tin vào những chính trị gia lão làng. Chính sự bất bình này đã thúc đẩy sự trỗi dậy của những chính trị gia trẻ tuổi. “Người dân có cảm giác rằng đã đến lúc các vấn đề của thời đại cần có cách giải quyết mới. Vấn đề tuổi tác và cả kinh nghiệm không còn được nhấn mạnh nhiều như trước nữa vì người dân cảm thấy tình hình hiện nay tại châu Âu có gì đó “sai sai”, hay thậm chí là mục ruỗng” - Susi Dennison trả lời trang Euronews.
“Sự phát triển của truyền thông xã hội đã thay đổi sự vận động chính trị. Chính trị giờ đây đã biến động nhanh hơn và khó đoán trước hơn. Những người trẻ có khả năng xử lý sự vận động chính trị kiểu mới tốt hơn là những chính trị gia lão làng” - Stefan Lehne, học giả tại Trung tâm cố vấn chính sách Carnegie tại châu Âu, đưa ra nhận định. Tân Thủ tướng Ireland Leo Varadkar là ví dụ rõ rệt nhất cho thấy xã hội châu Âu đã thay đổi chuẩn mực một nhà lãnh đạo phải ra sao. Ông là thủ tướng đồng tính nam đầu tiên của Ireland, là người trẻ tuổi nhất từng đảm nhiệm vị trí này, là nhà lãnh đạo Ireland và châu Âu đầu tiên có chất giọng… Ấn Độ.
“Sự trỗi dậy của những nhà lãnh đạo trẻ trung đã tạo ra những niềm hy vọng mới cho thế hệ trẻ tại châu Âu, vốn bấy lâu luôn nhìn nhận chính trường là vùng bất khả xâm phạm đối với họ” - theo ông Michael Cottakis, Giám đốc sáng kiến thế hệ 1989 thuộc ĐH Kinh tế London. Dẫu vậy những chính sách của các nhà lãnh đạo trẻ liệu có thay đổi so với quá khứ hay không vẫn còn là một ẩn số lớn. Ông Emmanuel Macron sau giai đoạn “trăng mật” với chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử Quốc hội Pháp đã bắt đầu cảm nhận rõ những khó khăn khổng lồ. Mức tín nhiệm của Macron tuột dốc liên tiếp vì chưa đưa ra được một chính sách nào đậm nét.
Vẫn còn nhiều cường quốc tại châu Âu quyết định đứng bên ngoài làn sóng lựa chọn các lãnh đạo trẻ. Đức và Anh vẫn ưu tiên lựa chọn những người “cận vệ già” nhưng đáng tin cậy như bà Angela Merkel và Theresa May. Tuy nhiên, cả hai nữ thủ tướng trong vòng một năm qua đều tái đắc cử với mức phiếu bầu ít hơn dự đoán. Ngày 16-10 vừa qua, tờ báo hàng đầu của Đức là Bild đã công khai đặt câu hỏi vì sao nước này không có một lãnh đạo trẻ tuổi như Sebastian Kurz. Trong khi đó tại Anh cũng xuất hiện hàng loạt tin đồn đảng Bảo thủ đang muốn thay thế bà Theresa May bằng một gương mặt mới có gốc Scotland - bà Ruth Davidson, 38 tuổi và là một người đồng tính nữ.
Những lãnh đạo trẻ kỷ lục Trước Sebastian Kurz cũng từng có nhiều chính trị gia được bầu làm lãnh đạo ở độ tuổi trẻ “kỷ lục”. Chẳng hạn như Liechtenstein vào tháng 12-1993 đã bầu Mario Frick, khi đó mới 28 tuổi, lên làm thủ tướng. Ông trở thành lãnh đạo chính phủ trẻ nhất của thế giới và đảm nhiệm chức vụ suốt bảy năm. Ngoài ra còn có cựu Thủ tướng Albania Pandeli Majko, được bổ nhiệm vào năm 1998 khi mới 30 tuổi. Điều đặc biệt là Majko đã bước vào chính trường từ rất sớm và vào năm ông 22 tuổi thì đã được bầu vào Quốc hội Albani. Tại nước láng giềng Montenegro, đương kim Ngoại trưởng Igor Luksic vào năm 2010 cũng từng được bổ nhiệm vị trí thủ tướng khi mới 34 tuổi. Đương kim Thủ tướng Hungary Viktor Orban khi bắt đầu nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên (từ năm 1998 đến 2002) cũng chỉ mới 35 tuổi. |