Chiều nay, 8-1, Bộ KH&ĐT sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Hội nghị cuối nhiệm kỳ lần này là một dịp để cơ quan mà Thủ tướng gọi là “Tổng tham mưu trưởng về kinh tế” nhìn lại những gì đã làm được, chưa làm được không chỉ của năm 2020.
Hành động thiết thực cho người yếu thế
Đầu tiên phải kể đến sự kiện “Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam”. Sự kiện này được phát động cuối năm 2019, với hưởng ứng, tham gia của nhiều lãnh đạo cấp cao như Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng. Năm 2020, những “cây gậy trắng” đã đến được với hàng nghìn người mù ở nhiều địa phương.
Cây gậy trắng chỉ là một trong các sự kiện trong chương trình “Vì sự phát triển cộng đồng” của Bộ KH&ĐT. Chương trình không chỉ nhân văn, sâu sắc ở tên gọi mà còn ở những sự kiện, hành động thiết thực. Bộ KH&ĐT bảo trợ cho 8 nhóm yếu thế. Mỗi dịp Xuân về, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đều phát động cả bộ tham gia chương trình “Chia sẻ tầm nhìn”, trong đó nhân vật chính là những nhóm khuyết tật, những người kém may mắn…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trao "Cây gậy trắng" cho người mù Việt Nam hồi tháng 12-2019
Các hoạt động từ thiện được tiến hành cách hiệu quả, tiêu biểu là Chương trình xoá 500 nhà tạm cho huyện Sốp Cộp tỉnh Sơn La.
Dĩ nhiên, không chỉ có những sự kiện mang tính chất chuyên biệt như vậy mà còn có cả những sự kiện mang tầm vĩ mô, tác động đến quốc gia, các vùng kinh tế.
Mới đây nhất là việc Bộ KH&ĐT đã Tổ chức lập Quy hoạch vùng đầu tiên tiếp cận tích hợp đa ngành tại Đồng bằng sông Cửu Long. Quy hoạch vùng ĐBSCL là bản quy hoạch vùng đầu tiên được triển khai thực hiện theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành của Luật Quy hoạch.
Tầm quan trọng của Quy hoạch ĐBSCL đã được Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định với Pháp Luật TP HCM rằng: “Chúng tôi kỳ vọng quy hoạch ĐBSCL sẽ là một quy hoạch mẫu, đạt được các mục tiêu và trở thành kinh nghiệm tốt cho việc xây dựng quy hoạch các vùng còn lại trên cả nước”.
Giải pháp vượt qua trì trệ, đại dịch
Năm 2020 cũng là năm mà Việt Nam, cùng với cả thế giới, hứng chịu đại dịch COVID-19. Kể từ khi COVID-19 xảy ra cho đến nay, Bộ KH&ĐT đã thực hiện tốt việc tham mưu cho Chính phủ thực hiện các mục tiêu về kinh tế - xã hội. Góp phần vào thành tích tăng trưởng GDP trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái nghiêm trọng. Bất chấp dịch COVID-19 thì Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia tăng trưởng dương.
Ngay từ đầu năm 2020, Bộ KH&ĐT đã trực tiếp dự thảo Nghị quyết số 01 về nhiệm vụ, giải pháp hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước, để Thủ tướng ký ban hành ngay trong ngày đầu tiên của năm mới.
Cùng với Nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bộ này cũng tham mưu để Thủ tướng ban hành Chỉ thị về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh trong điều kiện vừa đảm bảo phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch COVID-19.
Thứ trưởng Trần Duy Đông mới đây cho hay: Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia sắp được khởi công. Đây được cho là hành động cụ thể nhằm thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: CHÂN LUẬN
Những điều đó, cùng với nỗ lực của các bộ, ngành, các thành phần kinh tế khác đã góp phần thu hút 30 tỉ USD vốn đầu tư FDI. Dĩ nhiên, thu hút được 30 tỷ USD cũng có điểm thuận lợi, mà nói theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng như nhiều chuyên gia là: trong “nguy có cơ”.
COVID-19, cùng với hệ quả của thương chiến Mỹ - Trung những năm trước, đã làm cho quá trình dịch chuyển đầu tư quốc tế diễn ra nhanh hơn. Nhiều chính sách được triển khai, tiến hành đã góp phần làm cho vốn FDI từ quốc tế chảy vào Việt Nam.
Một trong những điểm sáng từ tham mưu của Bộ KH&ĐT là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tăng mạnh. Giải ngân vốn đầu tư công là một trong những chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi” từ nhiều năm nay. Ngay từ đầu năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã thể hiện sự “sốt ruột” của mình. Sau đó, sự sốt ruột này được sẻ chia và đồng cảm từ lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.
Vì vậy, Chính phủ đã tổ chức hàng chục đoàn công tác đi các địa phương để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Kết quả là hết năm 2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tăng kỷ lục, cao nhất trong 10 năm qua.
Mở ra một “không gian phát triển” mới
Ở góc độ khác, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng được giao nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ Biên tập kinh tế - xã hội, Đại hội XIII của Đảng.
Tổ Biên tập này đã huy động các chuyên gia có uy tín, tiến hành các tham vấn trong nước, quốc tế và đã tích cực tham mưu kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong Văn kiện Đại hội XIII sắp diễn ra. Báo cáo chính trị và Dự thảo Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030 vì vậy có những định hướng mà nếu Đại hội tới đây thông qua, sẽ mở ra một “không gian phát triển” mới cho đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Huân chương lao động hạng Nhất cho Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.
Cũng chính vì vậy, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành KH&ĐT, Đảng và Nhà nước đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất và cá nhân Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng được trao Huân chương Lao động hạng Nhất. Nhiều cá nhân và đơn vị của Bộ cũng được trao những phần thưởng cao quý.
Có lẽ cũng vì vậy mà dịp kỷ niệm 75 năm ngành KH&ĐT, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong thư chúc mừng đã khẳng định: "Nhiệm vụ của Ngành là rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang, Tôi tin tưởng rằng với truyền thống 75 năm bản lĩnh, trí tuệ, luôn tiên phong trong đổi mới, sáng tạo, toàn Ngành sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN".