Ở thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh (Đồng Hới, Quảng Bình) có căn nhà của ngư dân Mai Văn Thụ vừa mới hoàn thành với gần 5 tỉ đồng, khuôn viên có tiểu cảnh, hồ cá phong thủy.
Bốn anh em dựng nhà tiền tỉ
Chỗ đất mà Thụ xây nhà xưa là vùng cát trắng bời bời. Thụ theo nghiệp đi biển, anh ước mơ phải làm sao dựng được liếp nhà chắc chắn để mưa bão vợ con có chốn dung thân. Bởi mình đi biển lênh đênh mà gác nhà không kiên cố thì nỗi lo luôn căng như dây đàn.
Cần cù lao động, Thụ đóng được chiếc tàu cá lớn đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa. Những năm 2010-2015, tàu cá làm ăn được mùa, trả xong nợ, Thụ tích trữ, nghĩ về căn nhà hạnh phúc. Và nay, anh đã làm được biệt phủ đẹp nhất nhì làng biển Mỹ Cảnh. “Thiết kế hơn 50 triệu, nội thất và hoàn thiện làm xong tất tần tật gần 5 tỉ đồng, đều là tiền từ đánh bắt cá nhiều năm tích cóp mà ra nên vợ chồng tôi rất tự hào” - Thụ nói.
Bên trong căn nhà của Thụ được chăm chút tỉ mỉ từng chi tiết tường, trần nhà ốp gỗ, bếp nấu hiện đại, hệ thống nghe nhìn giải trí loại tốt nhất. Hàng xóm của Thụ - anh Nguyễn Văn Hoàng cho biết: “Ngư dân Mai Văn Thụ cất được cái nhà đẹp long lanh này ai cũng mừng vì từ cần kiệm đàng hoàng, đi biển chân chính”.
Không chỉ Thụ mà mấy anh em khác của Thụ cũng làm nhà tiền tỉ từ nghề đi biển, đó là Mai Văn Đung, Mai Văn và Trần Thủy là em cùng cha khác mẹ. Anh Đung kể: “Ngày trước tụi tui ở với ba mạ trong căn nhà cấp bốn, xung quanh nhà ai cũng nghèo, cát khô cháy mắt nên ai cũng ước sau này làm sao có bữa ăn no vì cát không trồng được lúa. Nhờ nghề biển, cần cù làm việc mà ngư dân tụi tui có thành tựu, tiến triển xây nhà. Xưa có dám mơ tiền tỉ mô nhưng nhờ con cá từng năm, biết tích cóp làm được nhà tiền tỉ. Nghề biển đáng để vất vả vì con cá đã giúp ngư dân thoát nghèo”.
Căn nhà ước mơ của ngư dân Nguyễn Ngọc Nam và ngư dân Phạm Tuyển. Ảnh: MINH QUÊ
Ngư dân Mai Văn Thụ và con út. Ảnh: MINH QUÊ
Cùng xã Bảo Ninh còn có ba ngư dân trẻ khác nhưng tuổi nghề lão luyện đã lấy nghề đánh bắt cá ở biển Hoàng Sa của Tổ quốc về xây dựng biệt phủ, góp phần làm đẹp xóm làng bên bờ biển Đông. Ấy là ba ngư dân Nguyễn Công Hoan, Phạm Tuyển, Nguyễn Ngọc Nam. Những ngư dân này từ năm 2010 đến 2015 đều có những chuyến biển đánh được mẻ cá 1-1,5 tỉ đồng.
Với Nguyễn Công Hoan, mỗi năm doanh thu của anh hơn 10 tỉ đồng. Năm 2017, do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển Formosa, giá cá đánh bắt ở Quảng Bình bị rớt khá nhiều. Tuy vậy, Hoan vẫn có doanh thu hơn 10 tỉ đồng. Từ đây đến hết năm âm lịch, Hoan hy vọng có hai chuyến biển bội thu.
Cả ba ngư dân này nhà ở sát nhau. Ba căn nhà theo ba phong cách của mỗi gia chủ. Đứng đầu là Nguyễn Công Hoan, đang hoàn thiện biệt phủ hơn 7 tỉ đồng. Nhà anh trang bị máy rửa bát, bếp từ, đồ dùng hiện đại nhập khẩu từ Đức, thang máy gia đình, mẫu nhà thiết kế kiểu tân cổ điển, nội công thiết kế đã hơn 65 triệu đồng. “Đây là căn nhà mơ ước cả cuộc đời của vợ chồng em. Cả làng ai cũng nói em làm nhà to đẹp, người nào đến coi cũng ủng hộ, vì tiền từ mồ hôi nước mắt. Phải dựng được căn nhà để vợ con yên tâm, em cũng yên tâm bám biển” - Hoan nói.
Cạnh đó là nhà của ngư dân Phạm Tuyển, một “sói biển” trẻ măng, sinh năm 1983, làm nhà tầng gần như đầu tiên ở thôn Mỹ Cảnh. Tuyển vừa mới đầu tư gần 3 tỉ đồng để sửa chữa, nâng cấp làm đẹp lại gác nhà cho xứng với biệt danh “thần tài” đánh cá. Gọi anh là “thần tài” bởi đi biển chuyến nào Tuyển cũng trúng đậm. Thời đỉnh cao Tuyển từng trúng mẻ cá 1,5 tỉ đồng, chuyến biển tiền tỉ Tuyển trả cho 23 thuyền viên của mình mỗi người 23 triệu đồng, ai vị trí vất vả thì 27 triệu đồng. Nay có căn nhà đẹp như ước mơ, Tuyển nói: “Tụi em trẻ, đi biển xa bờ, mỗi lần về làng làm được việc gì ai cũng ủng hộ. Nay có căn nhà mà người làng gọi là biệt phủ, bà con chòm xóm khen có chí hướng”.
Sát vách hàng rào là ngư dân Nguyễn Ngọc Nam, một người đi biển rành rỏi. Nam dẫn tôi tham quan nội thất tiền tỉ, được chăm chút tỉ mỉ từ trần nhà, cầu thang đến trang trí vách tường… “Đi biển cả đời thì phải dựng căn nhà cả đời để ở. Mà nay ở phải đẹp chứ ở mà chật chội, thiếu thông thoáng thì cố công vượt biển làm chi. Vậy nên em làm căn nhà chưa bằng người khác nhưng phải tinh tế” - Nam vui mừng nói.
Năm 2017, xã Bảo Ninh có hơn 80 nhà ngư dân được cấp phép xây dựng với giá trị từ 1,5 đến hơn 7 tỉ đồng. Từ ngày cơ chế mở biển xa bờ, ngư dân làm ăn lớn nên nhiều căn nhà tiền tỉ đã được xây mới, trong đó nhiều nhà được bà con gọi là biệt phủ vì quá đẹp… Chúng tôi rất mừng và tự hào về nghề bám biển của ngư dân xã nhà. Ông NGUYỄN NGỌC HIẾU, Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình |