Lãng phí cơm, cháo từ thiện

Thông tin người phát cơm từ thiện bị đâm chết ở bùng binh Phạm Đình Hổ-Lê Quang Sung đã khiến không ít nhóm thiện nguyện tự do lo ngại.

Người nhận cơm gây mất an ninh trật tự

“Hai năm nay, bùng binh này trở nên đông đúc, nhiều thành phần tụ tập vì thường xuyên có các tổ chức, cá nhân đến phát cơm, cháo” - một tài xế xe ôm cho biết.

Anh Nguyễn Thanh Bình, chủ nhiệm nhóm Long Hoa kể sau một thời gian hoạt động ở khu vực này, nhóm của anh đã chuyển sang địa điểm khác vì “Không chỉ chen lấn, xô đẩy, họ còn dọa nạt cả các thiện nguyện viên, không cho cũng không được, mà cho thì rất bực mình”. Được biết không chỉ nhóm này rời đi mà nhiều nhóm khác buộc phải đi theo tốp để phản ứng kịp thời với những tình huống xấu. Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Chơn Tâm (quận 6) cũng đã ngưng hoạt động ở địa điểm này vì bất lực trước ý thức của một số người nhận.

Việc phát cơm tự do trước các bệnh viện (BV) cũng gây nên tình trạng bát nháo không kém. Trước BV Ung bướu, một ngày không dưới năm nhóm có mặt. Có nhóm phát phiếu có nhóm không. Người nhận thì không có phiếu vẫn tự tiện lấy, không cần thiện nguyện viên phân phát.

Người của chùa Vĩnh Xương kể: “Có người rất hung hãn, trước sau cũng có phần nhưng họ sợ hết nên xông vào lấy cho nhanh. Mình lên tiếng sẽ to chuyện ngay”.

Phát tận tay vẫn gây lãng phí

Hoạt động phát cơm, cháo miễn phí tại các cơ sở BV sẽ giúp đỡ được nhiều gia đình bệnh nhân giảm bớt phần nào gánh nặng chi tiêu. Tuy nhiên, nếu không khảo sát nhu cầu, thời gian, địa điểm, có bao nhiêu cho bấy nhiêu, không tổ chức khoa học sẽ dễ dẫn đến lãng phí.

Người đàn ông áo sọc liên tục lấy nhiều phần mì của quán chay An Lạc Viên phía trước BV Ung bướu. Ảnh: H.LAN

Trước BV Ung bướu không ai lạ gì chuyện một người bán vé số xin hai hộp cơm, sau đó chọn phần thức ăn ngon mà ăn, phần cơm còn lại bỏ. Có người xin cơm chay rồi vứt đi, chỉ lấy sữa và mì tôm kèm theo. Thành viên của quán chay An Lạc Viên cho biết: “Quán thường nấu dư ra nên ai không có phiếu xin cũng được. Làm từ thiện chủ yếu là từ cái tâm và tùy duyên mà. Ai ăn bỏ phí thì có tội chứ chúng tôi không thể nào kiểm soát được”.

Cũng do không hiểu sát nhu cầu, nhiều bệnh nhân nhận cơm để đó rồi ngóng tìm đoàn khác cho cháo hoặc món gì loãng dễ nuốt hơn. Chưa hết, các nhóm từ thiện tự phát chỉ dừng trước cổng BV nên “các tài xế và người bán hàng quanh khu vực này có thể đầy đủ ba bữa nhưng chúng tôi thì thất thường lắm, bữa có bốn, năm phần, bữa lại không có gì luôn” - bệnh nhân Tô Văn Nghị, khoa Xạ trị lầu 3 khu A, BV Ung bướu nói. Anh Võ Văn Đức chăm sóc vợ u nang, khoa Ngoại cũng nhận xét: “Có người nắm được quy luật phát cơm, cháo từ thiện nên sinh ra tâm lý lựa chọn. Thậm chí xin về không ăn, chủ yếu lấy cái hộp, cháo đổ bỏ”.

Ở BV Nhi đồng 1, những người nuôi bệnh lâu ngày cho biết cơm chay thường bị bỏ phí. “Sau mỗi bữa ăn, tôi phải đi gom cơm thừa lại để đưa cho các cô hộ lý, trong đó có nhiều phần còn y nguyên. Có người xin để dành chiều ăn nhưng rồi bỏ vì thiu do cơm để chung thức ăn” - bà Lại Thị Kẽm, quê Long An nói.

Phát thức ăn và mền cho người lang thang, cơ nhỡ về đêm cũng vậy. Do các nhóm hoạt động độc lập nên người lang thang lại bị “bội thực” dịp rằm và đói trong ngày thường. Đi cùng với một nhóm phát mền vào đầu tháng 7 ở BV Thống Nhất, có người chỉ vào các tấm mền đang chất đống nói: “Nếu các cháu phát quà khác thì chú nhận chứ chú dư quá trời mền rồi”.

Ông Trần Đức Thành, quê Quảng Ngãi, lang thang ở góc đường Lý Thái Tổ, Điện Biên Phủ, cho biết: “Thường những ngày cuối tuần tôi nhận được rất nhiều phiếu thức ăn, còn những ngày giữa tuần thì ít lắm. Không lấy thì cũng ngại, sợ lần sau người ta không cho nữa nhưng nhiều lúc lại ăn không hết”.

Phối hợp với BV hoặc tính toán khoa học hơn

Trao đổi với PV, đại diện các BV Ung bướu và Nhi đồng 1 cho biết BV có hẳn bộ phận công tác xã hội để tiếp nhận các tấm lòng hảo tâm. Đóng góp của các mạnh thường quân sẽ được sử dụng để duy trì bếp ăn và hỗ trợ các bệnh nhân khó khăn. Danh sách ủng hộ và được hỗ trợ đều được các BV thông tin minh bạch, rõ ràng. Nếu mạnh thường quân muốn trao tiền, quà trực tiếp cho bệnh nhân thì BV sẽ chỉ đạo các khoa chọn ra những hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ trước tiên. Vì số lượng hạn chế mà nhu cầu thì nhiều nên BV sẽ lên danh sách luân phiên để đảm bảo công bằng cho các bệnh nhân.

Được biết các hoạt động phát phiếu của các nhóm từ thiện không được cho phép tại BV để đảm bảo an ninh trật tự, tuy nhiên nếu họ hoạt động lén thì rất khó phát hiện.

Hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực từ thiện, ông Trần Văn Thu, Chủ tịch Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Chơn Tâm (đơn vị phát cơm, cháo từ thiện chủ lực ở BV Nhi đồng 1), nhìn nhận hiện nay hoạt động từ thiện trên địa bàn TP đang nở rộ. Nhiều nhóm mới thành lập nên còn non kinh nghiệm trong việc tổ chức, sắp xếp dẫn đến chệch choạc, không hợp lý là điều bình thường.

HOÀNG LAN

Bị đâm chết khi phát cơm từ thiện

Nạn nhân bị đâm chết khi đang phát cơm từ thiện vào tối 10-8, tại ngã tư Lê Quang Sung - Phạm Đình Hổ, phường 2 (quận 6, TP.HCM) được xác định là Trần Minh Phước, ở trọ gần Siêu thị Phú Lâm.

Thường ngày anh Phước đi nhặt ve chai, còn vợ là Hứa Thị Thanh Tâm bồng theo con trai hai tuổi đi xin tiền quanh khu vực đó kiếm sống. Hơn năm nay, anh Phước nhận phát cơm miễn phí cho những người làm từ thiện. Theo người dân khu vực này, việc phát cơm thường diễn ra lộn xộn do có nhiều người chen lấn, tranh giành.

Tại Nhà vĩnh biệt (BV Chợ Rẫy) chị Tâm kể: “Tôi như người mất hồn khi thấy ảnh nằm bất động giữa đường… Cháu nó thấy ảnh nằm đó, lấy tay khều nhẹ lên mặt ảnh, kêu ba, ba!”. Con trai hai tuổi của anh Phước lâu lâu lại hỏi: “Ba đâu, ba đâu rồi mẹ…?”.

Lãng phí cơm, cháo từ thiện ảnh 2

Vợ con của nạn nhân Trần Minh Phước. Ảnh: PT

Theo lời bạn bè nạn nhân, tuần trước, Phước có nói với người thanh niên: “Tao nhận phát cơm cho người khó khăn, ưu tiên người già, tàn tật trước rồi tới những người bình thường. Mày đừng có chen lấn như vậy!”, có lẽ mâu thuẫn phát sinh từ đó. Và chính người này đã đâm Phước vào tối 10-8. Theo chị Tâm, hung thủ không chỉ dùng dao mà còn dùng cây xăm gạo. Tại Nhà vĩnh biệt, thi thể của Phước có nhiều vết thương lủng sâu ở vùng mặt.

Bạn thân của anh Phước tên Lê Văn Tuấn mắt đỏ hoe kể: “Anh Phước phát cơm vì thương người nghèo, muốn tích chút phước đức cho con cái chứ đâu lấy tiền bạc gì”.

Dù phát cơm cả năm nay nhưng chị Tâm không biết chính xác nhóm từ thiện nào đã nhờ chồng mình làm. Theo chị vì cơm từ thiện đến từ nhiều nguồn, có khi của nhà chùa, có khi của những cá nhân ẩn danh muốn làm phước… Có người đem cơm đến thì anh cứ phát thôi.

Bà Nguyễn Thị Nhàn, Phó Chủ tịch phường 2, quận 6, cho biết: “Đây là hoạt động phát cơm tự phát, không có đăng ký với phường nên phường rất khó phối hợp để đảm bảo an ninh trật tự”. Chiều 11-8, thi thể anh Phước đã được giao cho gia đình về lo hậu sự. Hiện Công an quận 6 đang phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Công an TP.HCM để truy tìm thủ phạm.

PHƯỚC TĨNH

Hiện có một số nhóm thường xuyên đăng ký nấu tại bếp ăn từ thiện của BV. Nếu nhóm nào muốn nấu, BV sẽ sắp xếp lịch và duyệt thực đơn do nhóm đưa ra. BV không nhận thực phẩm nấu sẵn để đảm bảo an toàn thực phẩm cho bệnh nhân.

DS HÀ THỊ ĐIỂM, Trưởng ban Công tác xã hội BV Ung bướu

Hiện có bảy đơn vị đăng ký phát cơm, cháo thường xuyên tại BV. BV đã cân nhắc số suất ăn mỗi ngày để tránh dư dôi. Nếu muốn phát quà hoặc thực phẩm nấu sẵn thì BV sẽ lên danh sách người nhận và bố trí giờ giấc, địa điểm. Thực phẩm phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Người nhà cần đến đúng giờ để nhận.

BS TRẦN THỊ TUYẾT MAI, Trưởng phòng Trợ giúp xã hội
BV Nhi đồng 1

Nếu các nhóm làm từ thiện hợp tác để phân chia địa bàn hoạt động sẽ tránh được việc chồng chéo, lãng phí. Hoặc các nhóm có thể thỏa thuận sắp xếp lịch phát cơm, mì, cháo ra để đa dạng bữa ăn hơn. Cách đây không lâu, có một nhóm từ thiện chuyên phát cháo cho người lang thang về đêm nhưng khi thấy bị trùng với nhóm khác thì chuyển sang nấu cơm cho khỏi bị đụng mà không nghĩ đến việc sẽ tìm địa bàn thay thế hoặc chuyển sang cách giúp đỡ khác. Tâm lý chung là các nhóm muốn phát tận tay và ngại việc đăng ký nấu ăn hoặc đem vào BV qua nhiều thủ tục làm mất thời gian.

anh LÊ BẢO CƯỜNG, Trưởng Chi hội thiện nguyện
Thiện Chơn

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm