Việc Thủ tướng Anh Theresa May quyết định không kích Syria mà không tham khảo ý kiến Quốc hội bị thành phần đối lập chỉ trích mạnh. Trong hôm nay (16-4) Thủ tướng May sẽ phải trả lời chất vấn các nghị sĩ Anh về việc này.
Trong số ý kiến chỉ trích gay gắt nhất có lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn. Nói với BBC ngày 15-4, ông Corbyn nói ông chỉ ủng hộ can thiệp vào Syria một khi Liên Hiệp Quốc cho phép. Thậm chí ông còn kêu gọi sửa luật để ngăn chăn chính phủ Anh có hành động tương tự trong tương lai.
Lãnh đạo Công đảng Anh Jeremy Corbyn trả lời phỏng vấnBBC, không loại trừ việc đánh Syria sáng 14-4 là điềm báo hành động quân sự lớn hơn với Syria. Ảnh: TELEGRAPH
Trong một bài viết trên Guardian ngày 15-4, ông Corbyn cho rằng vụ không kích vào các địa điểm được cho là liên quan đến năng lực vũ khí hóa học của Syria sáng 14-4 là sai lầm, bắt nguồn từ nhận thức sai lạc.
Ông Corbyn chỉ trích việc Mỹ - Anh - Pháp tự cho mình có quyền hành động đơn phương với Syria. Theo ông, việc bà May chỉ đạo tấn công Syria không cần ý kiến Quốc hội cho thấy sự yếu kém của chính phủ Anh khi chỉ biết chờ đợi chỉ đạo từ “một tổng thống Mỹ hiếu chiến và thiếu ổn định”.
Theo ông, không kích Syria có thể đơn thuần là một hành động biểu tượng, không có hiệu quả ngăn chặn. Cũng không loại trừ đây là một điềm báo trước cho hành động quân sự lớn hơn, có nguy cơ leo thang chiến tranh và thương vong cũng như rủi ro đối đầu giữa Mỹ và Nga. Dù khả năng nào việc đánh Syria vừa rồi cũng không chấm dứt được chiến tranh và chết chóc, mà ngược lại.
Ông Corbyn cảnh báo phương Tây nếu có thêm hành động quân sự nào nữa với Syria thì sẽ là sự bất cẩn tai hại. Không chỉ như đã xảy ra ở Iraq, Libya hay Afghanistan, cuộc chiến Syria đầy rẫy nguy cơ biến thành một cuộc xung đột lớn hơn nhiều, khi ở Syria có quá nhiều bên đang can dự. Có thể thấy Syria giờ trở thành sân khấu cho nhiều sức mạnh khu vực và thế giới - Mỹ, Anh, Nga, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Saudi Arabia, Israel, Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - biểu diễn quân sự.
Theo ông Corbyn, với thực tế hơn 500.000 mạng người đã mất trong gần tám năm nội chiến, lúc này các nước cần ưu tiên dàn xếp chính trị Syria chứ không phải lại sa vào một vòng phản ứng quân sự mới. Việc cần làm lúc này là ngoại giao đa phương có thể giúp đạt được sự đồng thuận hành động để chấm dứt cuộc chiến chứ không phải thêm dầu vào chảo lửa Syria.