Trưởng Đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) trực tiếp gửi lời xin lỗi chân thành nhất tới tất cả người dân Hong Kong vì những điều không thỏa đáng trong cách hành xử của bà liên quan tới dự luật dẫn độ, trong đó cho phép đưa người phạm tội sang Trung Quốc đại lục xét xử, theo báo The Straits Times.
Trưởng Đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) thấy buồn vì có một số người bị thương trong các vụ đụng độ. Ảnh: REUTERS
Ngoài ra, bà cho hay vụ biểu tình quy mô lớn lần này đã giúp bà nhận ra bà cần phải làm nhiều hơn, lắng nghe mọi người và làm việc nỗ lực hơn để cân bằng quan điểm của người dân.
Phát biểu tại buổi họp báo bắt đầu lúc 16 giờ ngày 18-6 (giờ địa phương), bà Carrie Lam cam kết không khởi động lại thủ tục lập pháp của dự luật dẫn độ gây tranh cãi chừng nào xung đột trong TP chưa được giải quyết.
“Tôi đã nghe thấy tiếng nói vang và rõ ràng của quý vị, và cũng đã tự suy ngẫm sâu sắc về những điều được bày tỏ. Bản thân tôi phải gánh vác hầu hết phần trách nhiệm… Tôi xin gửi lời xin lỗi chân thành nhất tới tất cả người dân Hong Kong”, Trưởng Đặc khu Hong Kong nói tại buổi họp báo.
Bà Lam cũng cho hay bà thấy buồn bởi có một số người bị thương trong các vụ đụng độ.
Bà Lam: Tôi mong một cơ hội khác
Trong một dấu hiệu cho thấy bà Lam sẽ không từ chức, Trưởng Đặc khu Hong Kong cho hay bà và đội ngũ của bà sẽ làm việc cật lực trong ba năm sắp tới. Bà Lam nói rằng bà mong muốn một cơ hội khác để đưa ra các sáng kiến cải thiện kinh tế Hong Kong.
“Chúng tôi có rất nhiều vấn đề xã hội và kinh tế mà chúng tôi đã cam kết và sẽ cố gắng hết sức để xây dựng lại niềm tin đó”, bà Lam nói.
Khi được hỏi liệu trách nhiệm của chính quyền có còn hiệu quả nữa hay không khi không ai chịu từ chức để nhận trách nhiệm về vụ việc, bà Lam nói: “Tôi hy vọng người dân từ mọi tầng lớp sẽ nhận ra công việc của chúng tôi và cho chúng tôi một cơ hội”.
Người biểu tình theo dõi bài phát biểu của bà Carrie Lam chiều 18-6. Ảnh: SCMP
Bên ngoài tòa nhà Hội đồng lập pháp (Legco), một số người biểu tình đang theo dõi bài phát biểu của bà trực tiếp trên iPad và điện thoại di động của họ, phản ứng mỗi khi bà có điều gì đó họ không đồng tình.
Khi được hỏi liệu bà có xem những vụ đụng độ hôm 12-6 là “bạo động” hay không, bà Lam cho hay chính quyền của bà chưa bao giờ xem những người tham gia biểu tình, đặc biệt là các bạn sinh viên trẻ, là những kẻ bạo động.
Bà thêm rằng những ai tham gia biểu tình ôn hòa “không có gì phải lo lắng”.
Bà Carrie Lam đã chịu sức ép rất lớn từ việc xử lý của bà về dự luật dẫn độ tội phạm sang Trung Quốc đại lục xét xử. Bà đã cố gắng thông qua dự luật. Điều này đã khiến người dân Hong Kong tức giận và thực hiện các cuộc biểu tình lớn chưa từng có với hơn 1 triệu người tham gia.
Người biểu tình lo ngại dự luật sẽ khiến Hong Kong chịu ảnh hưởng từ luật pháp của Trung Quốc đại lục và cư dân Hong Kong phải chịu sự điều chỉnh của một hệ thống pháp lý khác.
Hôm 15-6, bà Lam lên tiếng xin lỗi về cách mà chính quyền Hong Kong đã xử lý dự luật dự thảo này và nói rằng dự luật sẽ bị hoãn.
Tuy nhiên, người biểu tình cảm thấy như vậy chưa đủ và tiếp tục xuống đường biểu tình quy mô lớn vào ngày 16-6.
Trước đó, sáng 18-6, hàng chục người biểu tình đã gửi một tuyên bố chung yêu cầu bà Lam và chính quyền phải đáp ứng các yêu sách của họ trước 17 giờ ngày 20-6, nếu không sẽ đối mặt với các cuộc biểu tình quy mô gia tăng.
Các yêu cầu của người biểu tình bao gồm rút bỏ hoàn toàn dự luật dẫn độ, thả tất cả người biểu tình bị bắt, rút lại các cáo buộc “bạo động” của cảnh sát và trừng phạt cảnh sát tội lạm quyền.