Chiều ngày 16-6, hàng ngàn người Hong Kong vẫn tiếp tục đổ xuống đường biểu tình mặc cho chính quyền đặc khu đã ra quyết định hoãn vô thời hạn dự luật dẫn độ ngày 15-6 trước đó.
Theo tường thuật của hãng tin AFP, đám đông trong trang phục đen diễu hành từ công viên Victoria đến khu vực các văn phòng chính quyền Hong Kong. Nhiều người mang theo hoa để tưởng nhớ một người biểu tình thiệt mạng sau khi ngã từ giàn giáo trên sân thượng một tòa nhà khi tìm cách tháo chạy khỏi cảnh sát.
Người biểu tình Hong Kong kêu gọi bãi bỏ hoàn toàn dự luật dẫn độ về Trung Quốc. Ảnh: REUTERS
Hãng tin Al Jazeera cho hay, mục đích của cuộc biểu tình này là nhằm gia tăng áp lực khiến chính quyền Hong Kong phải tiến tới bãi bỏ hoàn toàn luật dẫn độ và Trưởng Đặc khu Carrie Lam phải từ chức.
Chia sẻ với báo giới, ông Lee Cheuk-yan, cựu Dân biểu Hong Kong, cho biết sở dĩ phải thúc đẩy rút lại hoàn toàn dự luật là vì "có thể được bà Lam khởi động lại vào bất cứ lúc nào" trong tương lai. Ông cũng nhấn mạnh rằng bên cạnh kêu gọi bãi bỏ, việc tiếp tục biểu tình còn nhằm kêu gọi chính quyền phải có trách nhiệm trước những bắt bớ và bạo lực đã xảy ra vào hôm 12-6.
"Chúng tôi muốn chính quyền phải lên án những hành vi bạo lực của cảnh sát. Chúng tôi không muốn Hong Kong bị quản lí bằng sự sợ hãi", dẫn lời ông Lee.
Một người biểu tình khác, tên Bonnie Leung, khẳng định mặc dù chính quyền Trung Quốc sẽ không bao giờ tỏ ra khuất phục trước những đợt biểu tình quy mô lớn, nhưng Bắc Kinh chắn chắn sẽ cảm nhận được chính quyền Hong Kong đang dần trở nên bất lực và kém hiệu quả.
"Hôm nay, khi nhiều người Hong Kong xuống đường, Bắc Kinh sẽ một lần nữa đọc được thông điệp này", anh nói, cho biết những thương tích và bạo lực của đợt biểu tình trước sẽ không làm chùn bước người dân, vì "điều này quá quan trọng" và kì vọng số người của đợt xuống đường hôm 16-6 sẽ nhiều hơn những ngày qua.
Trước đó, vào ngày 15-6, Trưởng Đặc khu Hong Kong Carrie Lam cho biết sau khi đã nhất trí với các nhà lập pháp khác, quyết định dự luật dẫn độ sẽ bị tạm hoãn vô thời hạn. Bà cũng cho biết rất có thể dự luật sẽ không được thông qua cho đến ít nhất là hết năm 2019 và nói rằng chính quyền Trung Quốc "đã thể hiện sự hiểu biết, tin tưởng, tôn trọng và hỗ trợ" cho quyết định của Hong Kong.
Dự luật sửa đổi "Người phạm tội bỏ trốn và Hỗ trợ pháp lý lẫn nhau về vấn đề hình sự" cho phép Hong Kong bàn giao nghi phạm tới các quốc gia và vùng lãnh thổ chưa ký hiệp ước dẫn độ, trong đó có Trung Quốc đại lục. Người Hong Kong lo ngại dự luật này có thể khiến ảnh hưởng của Trung Quốc đại lục gia tăng ở Đặc khu.