Kể từ khi tiếp quản thuộc địa của Anh năm 1997, Trung Quốc (TQ) đã nhiều lần bị cáo buộc xâm phạm quyền tự do của người dân Hong Kong. Theo The Washington Post, trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã tăng sức ép đối với đặc khu này, dù rằng chính quyền TQ đại lục luôn bác bỏ các cáo buộc này.
Giới phân tích lo ngại rằng thông qua việc ban hành luật dẫn độ sẽ làm suy yếu truyền thống tự do của Hong Kong, tổn hại đến cộng đồng kinh doanh sôi động của đặc khu này, gây nguy hiểm cho bất kỳ cá nhân nào, bao gồm cả các nhân vật hoạt động chính trị.
Lý lẽ của người dân Hong Kong
Những ngày qua, dòng người biểu tình ở Hong Kong đã làm tê liệt trung tâm đặc khu này trong những ngày gần đây, The Economist bình luận.
Ngày 9-6, hơn 1 triệu người đã biểu tình trong hòa bình phản đối dự luật của chính phủ Hong Kong cho phép dẫn độ tội phạm truy nã sang TQ đại lục. Căng thẳng gia tăng hôm 12-6 khi người dân bắt đầu vây quanh tòa nhà Hội đồng lập pháp khiến hội đồng phải trì hoãn buổi tranh luận về dự luật.
Sau đó, khi những người biểu tình chặn đường phố bằng hàng rào kim loại và ném chai nước, cảnh sát quyết định bắn hơi cay và đạn cao su, đồng thời đe dọa sẽ sử dụng nhiều vũ lực hơn để giải tán đám đông. Ít nhất 72 người phải nhập viện, hai trong số đó đang trong tình trạng nghiêm trọng, CNN cho hay.
Theo luật sư Margaret Ng, thực tế không có lỗ hổng nào trong hệ thống lập pháp của Hong Kong từ thời đặc khu này còn là thuộc địa của Anh cho đến bây giờ, khi Hong Kong được trao trả cho TQ. Thực tế đã tồn tại “một bức tường lửa” giữa hệ thống tư pháp của Hong Kong và TQ đại lục. Điều này nhằm bảo vệ luật pháp ở đặc khu này, cũng như giữ vững niềm tin của người dân về Hong Kong trước áp lực lớn từ Bắc Kinh. Vì thế, việc bổ sung điều luật về dẫn độ tội phạm từ Hong Kong sang TQ đại lục hay các vùng lãnh thổ khác của TQ là không cần thiết.
Đặc biệt, khi chính quyền Hong Kong khẳng định dự luật dẫn độ không nhắm vào tội phạm chính trị thì người dân Hong Kong cũng không an tâm. Phong trào Dù vàng năm 2014 đã để lại phần nào sự thiếu thiện cảm của người Hong Kong với cách hành xử của chính quyền trung ương.
Hình ảnh cuộc biểu tình ở Hong Kong. Ảnh: GETTY IMAGES
Lập trường của chính quyền Bắc Kinh
Ngày 13-6, Hong Kong trở nên tĩnh lặng hơn trong khi cả cảnh sát và người biểu tình vẫn cảnh giác nhau. Những con đường trước đây bị người biểu tình và cảnh sát chặn lại đã được thông thoáng; di chứng của các cuộc biểu tình bao gồm rác thải, chai lọ, ô dù cũng bắt đầu được thu dọn.
Một số nhóm nhỏ người biểu tình vẫn ở lại và giữ những khu vực quan trọng, trong khi những người khác đang tìm kiếm nơi để giấu thiết bị bảo vệ và vật tư khác, The Guardian đưa tin. “Một số người phải quay trở lại làm việc. Nhưng chúng tôi đang trở lại đường phố để cảnh sát thấy rằng chúng tôi không bỏ cuộc” - Mike Tsang, một người biểu tình, cho biết.
Các quan chức thông báo sẽ hoãn cuộc tranh luận về bộ luật dẫn độ sau khi tình hình căng thẳng bùng nổ một ngày trước đó. Đã xuất hiện tin đồn rằng TQ sẽ triển khai quân đội đối phó biểu tình ở Hong Kong, theo South China Morning Post. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 12-6 đã nói với báo chí rằng đây chỉ là tin giả, sai sự thật.
Cảnh sát đã bắn hơn 150 viên đạn hơi cay và hơn 20 băng đạn nhựa để giải tán đoàn biểu tình xung quanh trụ sở cơ quan lập pháp Hong Kong hôm 12-6. Trước đó, ở phong trào Dù vàng năm 2014, cảnh sát được cho là đã không hề bắn đạn nhựa vào đoàn biểu tình, tuy rằng có sử dụng 84 viên đạn hơi cay. Người đứng đầu lực lượng cảnh sát đặc khu Hong Kong STEPHEN LO |
“Tôi có thể nói rõ với các bạn rằng đây là một thông tin dối trá được lan truyền nhằm lừa bịp mọi người và gây hỗn loạn. Động cơ thật bỉ ổi” - South China Morning Post dẫn lời ông Cảnh Sảng. Ông Cảnh Sảng nói thêm Bắc Kinh ủng hộ các hành động của chính quyền Hong Kong trong sửa đổi luật dẫn độ.
Mặc dù cơ hội rất nhỏ để cuộc biểu tình có thể khiến chính phủ chấm dứt dự luật gây tranh cãi và trong khi Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam cáo buộc một phần cuộc biểu tình là bạo loạn có tổ chức, những người dân Hong Kong vẫn không nguôi hy vọng sẽ “lật ngược thế cờ”.
Dù vậy, bà Carrie Lam cho rằng dự luật dẫn độ sẽ hoàn thiện lỗ hổng của hệ thống pháp luật hiện hành. Điều này đã gián tiếp nhận định rằng những người tiền nhiệm của bà đã bỏ sót việc soạn thảo các quy tắc để gửi nghi phạm đến TQ đại lục hay các vùng lãnh thổ thuộc TQ.
Hong Kong có thể đang trong khoảng lặng, báo hiệu bùng nổ các cuộc biểu tình dữ dội hơn nữa khi mà mâu thuẫn giữa người dân và chính quyền chưa giải quyết, xung đột giữa người biểu tình và cảnh sát có dấu hiệu gia tăng.
Quốc tế lên tiếng về biểu tình Hong Kong Tổng thống Mỹ Donald Trump tin rằng TQ và Hong Kong sẽ có thể giải quyết vấn đề này vì cộng đồng quốc tế kêu gọi quyền lợi của người biểu tình phải được tôn trọng. Liên minh châu Âu (EU) cũng tuyên bố quyền con người phải được bảo vệ ở Hong Kong. “Những ngày qua, người dân Hong Kong đã thực hiện quyền cơ bản của mình là phát biểu một cách tự do và hòa bình. Những quyền này phải được bảo vệ” - The Guardian dẫn lời tuyên bố của Bộ Ngoại giao EU. Thủ tướng sắp mãn nhiệm của Anh, bà Theresa May, cũng kêu gọi quyền và sự tự do ở Hong Kong được ký kết trong hiệp ước năm 1984 phải được tôn trọng. Trong khi đó, chính phủ Úc thể hiện lo ngại về đề xuất luật dẫn độ và ủng hộ quyền biểu tình ôn hòa cũng như thúc giục sự kiềm chế từ mọi phía. |