Ông Hashim Thaci ngày 10-3 đe dọa sẽ từ chức lãnh đạo Kosovo nếu cơ quan lập pháp lãnh thổ này không chấp nhận thành lập quân đội.
“Nếu các thành viên lập pháp không đồng ý, tôi sẽ từ chức ngay. Cơ quan lập pháp không bỏ phiếu thuận thành lập quân đội cho chính đất nước mình thì nên giải tán” - ông Thaci nói trong cuộc phỏng vấn kênh truyền hình RTK phát tối 10-3, tuyên bố sẽ tổ chức bầu cử cơ quan lập pháp.
Chính quyền Kosovo đã đề nghị được thành lập quân đội từ ba năm trước với quy mô ban đầu là tuyển thêm 5.000 binh sĩ và 3.000 quân dự bị nhưng các thành viên gốc Serbia trong cơ quan lập pháp phản đối. Hiện Lực lượng An ninh Kosovo chỉ có 2.500 quân, do NATO huấn luyện với các nhiệm vụ phản ứng khủng hoảng, bảo vệ công dân.
Lãnh đạo Kosovo Hashim Thaci trong một cuộc trả lời phỏng vấn Reuters tại Pristina (Kosovo) ngày 16-1. Ảnh: REUTERS
Chủ trương Kosovo thành lập quân đội bị cả cộng đồng người Serbia ở Kosovo, Mỹ và các đồng minh NATO phản đối.
Sau cảnh báo từ chức của ông Thaci, đại diện Ngoại giao Mỹ ở Kosovo, ông Greg Delawie, viết trên Twitter “Mỹ tin sự an ninh của Kosovo tùy thuộc vào chất lượng các quan hệ hợp tác của mình. Chúng tôi không muốn thấy Kosovo tách khỏi các đối tác chính”.
Ngày 8-3, cơ quan lập pháp Kosovo cho biết có thể đối phó sự phản đối này bằng cách sửa luật, cho phép Lực lượng An ninh Kosovo mua thêm vũ khí hạng nặng và tuyển thêm binh sĩ - cũng một hình thức thành lập quân đội.
Kế hoạch này của cơ quan lập pháp Kosovo ngay lập tức vấp phải phản đối từ NATO vốn đang có 4.500 binh sĩ tại Kosovo trong gần hai thập niên qua. Mỹ, nước hỗ trợ tài chính lớn nhất cho Kosovo, cũng phản đối.
Ngày 8-3, Mỹ và NATO đều tuyên bố sẽ xem lại việc hỗ trợ cho Lực lượng An ninh Kosovo nếu Kosovo thành lập quân đội. NATO từng nói không có kế hoạch rời bỏ Kosovo, tuy nhiên rất quan ngại bất đồng giữa Kosovo và các đồng minh quanh việc Kosovo muốn thành lập quân đội.
Chưa rõ diễn tiến sẽ thế nào. Tuy nhiên, theo thành viên lập pháp Arben Gashi thuộc đảng Liên đoàn Dân chủ Kosovo ngày 10-3 thì “Mỹ rất quan trọng với Kosovo. Còn ông Hashim Thaci thì có thể thay thế dễ dàng”.
Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia năm 2008 với sự hỗ trợ của Mỹ và các nước Tây Âu sau gần một thập niên nội chiến với Serbia. Việt Nam không công nhận Kosovo là một nước độc lập.