Trong phiên thảo luận chung tại kỳ họp thứ bảy, HĐND TP Đà Nẵng khóa X, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Đà Nẵng Trần Thanh Thủy đã có những chia sẻ về việc hơn 300 nhân viên y tế ở TP xin nghỉ việc từ năm 2021 đến nay.
Theo bà Thủy, ngành y tế Đà Nẵng đang quản lý hơn 7.000 cán bộ làm việc trong hệ thống công lập, 1.809 cộng tác viên dân số y tế, 119 nhân viên y tế thôn, bản. Đà Nẵng đạt tỉ lệ 17 bác sĩ/10.000 dân, cao hơn mặt bằng chung của cả nước.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Đà Nẵng Trần Thanh Thủy. Ảnh: TẤN VIỆT |
Bà Thủy cho hay, qua hai năm phòng chống dịch COVID-19, đội ngũ nhân viên y tế có rất nhiều áp lực về thể chất, tinh thần.
Ngành y tế Đà Nẵng đã phối hợp với thủ trưởng các đơn vị, các ban ngành động viên, cung cấp thông tin để cán bộ y tế yên tâm công tác, gắn bó với ngành. Đồng thời tiếp tục thực hiện các chế độ chính sách cho cán bộ y tế.
Đặc biệt theo bà Thủy, các đơn vị đã kịp thời bổ sung nhân lực thay thế đạt 86% trên tổng số nhân viên y tế nghỉ việc.
“Tuy nhiên, cái căn cơ để nhân viên y tế yên tâm công tác thì cần những chính sách lâu dài. Ngành y tế đang rà soát toàn bộ chế độ chính sách để có đề xuất tổng thể. Ngành sẽ có báo cáo trình UBND TP đề xuất các chính sách này”, bà Thủy nói.
Cũng theo lãnh đạo Sở Y tế Đà Nẵng, ngành y tế sẽ tiếp tục triển khai đề án thu hút nhân lực chất lượng cao nhưng sẽ điều chỉnh tiêu chuẩn cho phù hợp đặc thù của ngành.
Ngoài ra còn có phụ cấp đặc thù cho các lĩnh vực khó khăn như lao, pháp y, tâm thần. TP cũng sẽ triển khai chính sách đào tạo năng lực y tế cho tuyến cơ sở.
Nói thêm về khó khăn trong mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế, bà Thủy cho biết, sáu tháng đầu năm 2022, tỉ lệ bệnh nhân khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế của Đà Nẵng tăng 15% so với cùng kỳ. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu thuốc, vật tư y tế cục bộ.
“Lo ngại nhất hiện nay của cán bộ y tế là việc mua sắm làm sao đúng quy định pháp luật. Đồng thời cung cấp kịp thời, phù hợp nhu cầu chuyên môn của các đơn vị khi mà hiện nay chưa có quy định chuẩn về danh mục hàng hóa, chưa thống nhất về giá vật tư y tế trên thị trường”, bà Thủy nói.
Một nguyên nhân nữa là Nghị định 98 có hiệu lực từ 1-4-2022 quy định không mua giá cao hơn giá kê khai trên cổng thông tin điện tử Bộ Y tế tại thời điểm mua bán.
“Điều này rất phụ thuộc vào việc doanh nghiệp phải kê khai giá rồi mới thực hiện được việc mua sắm vật tư y tế. Đồng thời giá cả biến động theo thị trường, gây khó khăn cho các đơn vị y tế trong vấn đề cập nhật thường xuyên giá cả dẫn đến kéo dài công tác mua sắm, đấu thầu”, bà Thủy cho hay.