Nói về vấn đề siết chặt việc cấp, sử dụng giấy đi đường, tối 9-8, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: “Thành phố sẽ điều chỉnh việc kiểm tra cho thực chất và phù hợp hơn, đồng thời tiếp tục siết chặt quản lý, bảo đảm việc xác nhận và sử dụng giấy đi đường đúng mục đích, đúng đối tượng”.
Theo ông Quyền, tại Chỉ thị 17 ngày 23-7 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, đoàn thể trên địa bàn TP bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà, chỉ những người được phép mới đến làm việc trực tiếp trong trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực cơ quan, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cấp bách cần thiết khác.
Người dân xếp hàng ở phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy) để xác nhận thủ tục giấy đi đường.
Tuy nhiên sau hai tuần thực hiện giãn cách xã hội, vẫn còn nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm yêu cầu trên. Số người ra đường còn đông, trong đó không ít trường hợp có giấy đi đường cấp không đúng đối tượng, không đúng mục đích, gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.
Trước tình hình đó, Hà Nội đã có văn bản số 2562 nhằm siết chặt việc cấp và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách.
Ông Quyền khẳng định Hà Nội sẽ “kiên trì thực hiện các biện pháp mạnh nhằm bảo đảm nguyên tắc giãn cách xã hội”. Theo đó các địa phương sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và linh hoạt trong việc kiểm tra, xác nhận giấy đi đường trong thời gian ngắn nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; thực hiện kiểm tra, kiểm soát giấy đi đường từ các chốt ở thôn, xóm, tổ dân phố...
Lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường của người lưu thông trên đường tại chốt kiểm soát cạnh hầm chui Kim Liên (Ô Chợ Dừa, Đống Đa)
“Kiểm tra giấy đi đường không phải để phạt người dân mà làm căn cứ để phát hiện và xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TP trong bố trí lịch làm việc, sản xuất, kinh doanh trong thời gian giãn cách xã hội” – ông Quyền nói.
Ông cũng nhấn mạnh tại các chốt kiểm tra, khi phát hiện những trường hợp sử dụng giấy đi đường không đúng mục đích thì cần thông tin đến công an phường, xã, thị trấn nơi có đơn vị, tổ chức xác nhận giấy đi đường để kiểm tra, đối chiếu, có biện pháp chấn chỉnh và kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định.
Trước đó, tối 8-8, UBND TP Hà Nội đã có văn bản về việc siết chặt kiểm tra việc cấp, sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách toàn thành phố. Văn bản này yêu cầu người đi đường phải xuất trình giấy đi đường kèm theo căn cước công dân/chứng minh thư nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Đáng chú ý, văn bản này yêu cầu chính quyền phường xã phải xác nhận vào giấy đi đường do các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh... trên địa bàn cấp. Vào sáng 9-8, nhiều người dân ra đường tỏ ra khá bối rối vì nhiều chốt kiểm soát kiểm tra, nhắc nhở người dân về quy định mới khi lưu thông trên đường trong ngày giãn cách có giấy đi đường và một số thủ tục khác kèm theo (lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ...). Do lượng người lưu thông vào ngày đầu tuần tăng dẫn đến hiện tượng ùn ứ cục bộ tại các chốt kiểm soát thực hiện việc kiểm tra chặt chẽ. Các chốt kiểm tra xác xuất thì phương tiện lưu thông ổn định, không có hiện tượng ách tắc. Đặc biệt, trong ngày tại trụ sở nhiều UBND phường trong nội thành Hà Nội đã xuất hiện hiện tượng người dân, doanh nghiệp xếp hàng chờ làm thủ tục xác nhận vào giấy đi đường cho cá nhân và cán bộ, nhân viên đơn vị công tác của mình. |