'Lễ hội Khai Hạ - Cầu An' tại Lăng Ông bà Chiểu là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

(PLO)- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận “Lễ hội Khai Hạ - Cầu An” tại khu di tích lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 25-8, UBND quận Bình Thạnh, TP.HCM tổ chức lễ đón bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và lễ hội Khai hạ - Cầu an tại khu di tích lăng Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt (lăng Ông bà Chiểu).

Lãnh đạo TP.HCM và quận Bình Thạnh dâng hương tại khu di tích. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Lãnh đạo TP.HCM và quận Bình Thạnh dâng hương tại khu di tích. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Tham dự buổi lễ có bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP; ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao; ông Vũ Ngọc Tuất, Bí thư Quận ủy Bình Thạnh; ông Đinh Khắc Huy, Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh…

Tại buổi lễ, bà Phan Thị Thắng chia sẻ niềm vui và tự hào đối với quận Bình Thạnh khi nhận Bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Lễ hội Khai Hạ - Cầu An” do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận.

Bà Phan Thị Thắng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Bà Phan Thị Thắng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Theo bà Thắng, TP.HCM có 3 lễ hội truyền thống được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm Lễ hội Nghinh Ông ở huyện Cần Giờ, lễ hội Nguyên Tiêu ở quận 5 và lễ hội Khai hạ - Cầu an tại lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt.

“Có cơ sở để khẳng định rằng lễ hội Khai hạ - Cầu an là một di sản văn hóa quan trọng của vùng đất Sài Gòn – Gia Định xưa và TP.HCM ngày nay”, bà Thắng phát biểu và đề nghị chính quyền quận Bình Thạnh tích cực bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đại diện trao bằng chứng nhận cho ban quản lý di tích lăng. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đại diện trao bằng chứng nhận cho ban quản lý di tích lăng. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Ông Đinh Khắc Huy, Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh khẳng định, chính quyền và nhân dân quận Bình Thạnh sẽ tiếp tục bảo tồn, tôn tạo và phát huy hơn nữa giá trị của di sản, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, làm cho những giá trị văn hóa được để lại mãi mãi tỏa sáng cùng bước phát triển của đất nước.

Chứng nhận di sản văn hóa được trao cho Lễ hội Khai Hạ - Cầu An” được tổ chức hằng năm tại lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Chứng nhận di sản văn hóa được trao cho Lễ hội Khai Hạ - Cầu An” được tổ chức hằng năm tại lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Cũng tại buổi lễ, bà Phan Thị Thắng đã đại diện trao bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho ban quản lý di tích Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt.

Lễ hội Khai hạ - Cầu an tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt được tổ chức hằng năm vào mùng 7 tháng giêng âm lịch.

Các nghi thức tế, lễ được tổ chức theo nghi thức tế lễ cung đình triều Nguyễn và gắn bó mật thiết, thể hiện sống động hoạt động sản xuất, sinh hoạt trong đời sống nhân dân. Lễ hội được chia thành nhiều phần khác nhau gồm hạ nêu, khai hạ, khai bút và khai ấn.

Một nghi thức tại buổi lễ. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Một nghi thức tại buổi lễ. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Đây là điểm nhấn sinh hoạt văn hóa của người dân Nam bộ và TP.HCM để cầu mong mưa thuận, gió hòa và kỳ vọng một năm mới công việc thuận lợi, làm ăn hanh thông, thể hiện sức mạnh đoàn kết của nhân dân trong lao động, sinh hoạt và bảo vệ đất nước.

Trong lễ Khai hạ - Cầu an thường kèm theo những chầu hát bội rất sống động, tinh tế với các tuồng như Ngọc Quỳnh lâm tế, Thần nữ dâng ngũ linh kỳ, San Hậu… Lý do là khi sinh thời, Tả quân Lê Văn Duyệt rất thích tuồng San Hậu.

Đức Thượng công Tả quân cho rằng tuồng hát không chỉ mang giá trị văn hóa mà còn lồng ghép mục đích giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân về ý thức đạo lý làm người, đạo lý uống nước nhớ nguồn của người dân Việt.

Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt là vị quan thanh liêm đã chăm lo tốt đời sống nhân dân, có tầm nhìn xa trông rộng đặt nền tảng xây dựng và phát triển Sài Gòn – Gia Định và vùng đất Nam bộ trở nên trù phú.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm