1. Nhà báo Vũ Công Lập, người gắn bó với thể thao khuyết tật và xem những VĐV như người nhà, đã chia sẻ sau nhiều chuyến ăn, ngủ và sống cùng họ: “Từ nay, tôi không viết bóng đá để chuyển sang viết về thể thao người khuyết tật. Vì sao ư, vì họ tuyệt vời quá. Có đi, có sống cùng họ mới thấy hết khả năng kinh khủng của con người mà ở đây lại là người khuyết tật. Điều đó khiến tôi nghĩ nếu người lành lặn mà học làm theo được như các VĐV khuyết tật, chúng ta sẽ phát triển kinh khủng lắm...”. Nói riêng về nhà vô địch Lê Văn Công, ông Lập đã có những so sánh rất thú vị: “Chúng ta chưa có nền kinh tế đảm bảo điều kiện vật chất như Nhật Bản và điều đấy càng làm tôi thán phục các VĐV khuyết tật của ta. Tôi từng chứng kiến các VĐV cử tạ khuyết tật của Nhật được chăm sóc đến mức không thể nào tốt hơn nhưng các lực sĩ của họ ở chung hạng cân với Lê Văn Công chỉ nâng được 127 kg, trong khi đó nhà vô địch của chúng ta là 183 kg và còn hơn nữa. Nghèo hơn, khổ hơn nhưng lại khỏe hơn. Đó là nhờ đâu, nếu không phải là ý chí...”.
Hình ảnh ấn tượng nhất tuần qua của thể thao Việt Nam khi Lê Văn Công đoạt chức vô địch Paralympic. Ảnh: TTVN
2. Tuổi thơ của cậu bé Lê Văn Công ở làng quê Hà Tĩnh thiếu may mắn ngay từ khi lọt lòng. Mẹ Công khi mang thai anh đã không may bị sốt xuất huyết phải nhập viện. Và bất chấp lời khuyên của các y, bác sĩ, bà vẫn giữ cái thai cho đến ngày sinh nở.
Công ra đời với đôi chân teo là kết quả từ di chứng đã được dự báo. Cậu bé Công càng lớn chi trên càng phát triển, đè nặng lên đôi chân bé xíu.
Ước mơ đứng trên đôi chân như bao đứa trẻ bình thường của cậu bé Công thật xa xỉ. May mà Công còn có vòng tay của gia đình khi mà tuổi thơ của anh chủ yếu lê lết trong và trước sân nhà và trên đôi vai của cha mẹ. Có những ngày mưa mẹ phải bọc Công trong chiếc áo mưa, cho đến khi vào cấp II thì Công xin cho mình tự “lết” đến trường, bất chấp có những ngày đôi chân tóe máu vì va đập đường làng và đất đá.
Có những lúc Công hận vì cuộc đời bất công với mình khi nhìn đám bạn lành lặn thỉnh thoảng trêu chọc mình với từ “thằng què”. Thế nhưng sau đó thì Công lại biến những thua thiệt đấy làm động lực để làm những việc hơn người.
Gia đình nhỏ của nhà vô địch Lê Văn Công trong những ngày mong tin anh từ Paralympic Rio. Ảnh: MQ
Lực sĩ Lê Văn Công làm thợ sửa điện tử khi còn cùng vợ con ở nhà trọ tại TP.HCM. Ảnh: MQ
3. Tốt nghiệp THPT, Công thi vào Trường ĐH Sư phạm với ao ước làm nghề giáo để gieo cái chữ. Thế nhưng với hành trang vào đại học mà gia đình phải bán heo cho con vào Sài Gòn ăn học, Công hào hứng đến đất Sài thành bao nhiêu thì sau đó lại hụt hẫng cùng cực khi nhà trường thông báo không nhận sinh viên khuyết tật và chuyển Công qua học tại trường nghề với chuyên ngành công nghệ điện tử...
Nhất quyết không chịu về vùng quê Hà Tĩnh, Công chọn Sài Gòn làm đất lập nghiệp. Anh xin làm thêm trong một xưởng gỗ để lấy tiền trang trải học nghề và thuê nhà trọ.
Đến khi ra trường với chiếc xe lăn đẩy đi khắp nơi kiếm việc mới thật gian khổ. Công thường xuyên gặp những cái lắc đầu thương hại... Cứ thế Công nhọc nhằn và cuối cùng, nhờ một người quen cũ giới thiệu, Công được nhận vào làm đúng công việc ở ngành điện tử của mình.
Công việc ổn định cũng là lúc Công tham gia tập cử tạ với mục đích vận động cho khỏe. Rồi Công vô tình được một HLV cử tạ khuyết tật tìm đến mời tập luyện và bén duyên với cử tạ khuyết tật từ đấy.
Nàng Út Tám của nhà vô địch Phần khổ luyện để Lê Văn Công có được thành tích như hôm nay có lẽ không ai có thể hiểu và cảm nhận rõ hơn người vợ tần tảo luôn ở bên anh - chị Chu Thị Tám (Út Tám), chị kể: “Dù hôm trước anh ấy có hứa với con là sẽ có HCV nhưng tôi vẫn không tin vào tai mình khi nghe anh ấy là nhà vô địch Paralympic. Chúng tôi từng bàn với nhau bỏ nghiệp cử tạ để lo cho cuộc sống khó khăn, nhất là trong quãng thời gian ba năm trời sau tai nạn lật xe máy nhưng đam mê và nghị lực của anh ấy đã giúp anh vượt qua và chiến thắng tất cả. Nói thật là nhiều lúc hai vợ chồng nản lắm bởi chỉ tập và tập vậy thôi chứ tiền thì không có. Thời gian ba năm “kinh khủng” ấy, anh chỉ ở nhà chăm bé, còn tôi thì ra ngoài kiếm thêm việc phụ giúp chi tiêu gia đình. Cũng may anh Công có thêm nghề sửa điện tử, nhận hàng về gia công tại gia nên có thêm đồng ra đồng vô”. . Phóng viên: Gắn cuộc đời mình với một người lành lặn đã khó, trao thân cho một người khuyết tật như Công, chị có phải đối mặt với áp lực từ gia đình hay những định kiến của xã hội? + Chị Chu Thị Tám: Tôi nghe người ta nói nhiều lắm nhưng không bị tác động gì. Nghe xong tai này tôi bỏ luôn sang tai kia. Tôi bỏ ngoài tai tất cả. Tự mình quyết định đời mình có đến với anh hay là không! Đến lúc này tôi vẫn thấy vui và hạnh phúc vì sự lựa chọn của mình. Tôi luôn tự hào và tin anh sẽ làm được gì đó. Tôi biết tính anh Công rất nghị lực. Anh ít nói, không tâm sự nhiều với vợ. Mặc dù anh không nói ra trước ngày lên đường nhưng chiếc HCV và kỷ lục thế giới là sự cảm nhận của tôi từ anh. Khoảnh khắc khi anh thành công trên sàn đấu, da gà da gáy tôi dựng lên hết. Vui không thể tả. . Áp lực với cơm - áo - gạo - tiền trong khoảng thời gian Công nghỉ tập luyện, nghỉ thi đấu ảnh hưởng ra sao đến cuộc sống của hai vợ chồng? + Khi con trai lớn là Lê Tuấn Anh tròn một tuổi, vợ chồng tôi cực lắm. Thuê phòng 1,2 triệu đồng/tháng chưa đầy 10 m2 cả gia đình ba người tá túc. Để chiếc xe máy của anh Công, cái nệm cho bé chơi thôi đã không còn chỗ. Thời điểm đó là năm 2010. Anh Công bị tai nạn lật xe, đứt dây chằng vai, nghỉ tập suốt ba năm. Di chứng từ tai nạn đó đến nay vẫn còn. Đấy cũng là quãng thời gian hai vợ chồng khổ cực nhất. Anh Công không được nhận bất cứ đồng nào từ ngành thể thao. Khi bắt đầu chuẩn bị Paralympic, anh mới có thêm phụ cấp. Chỉ khi tập luyện thì gia đình mới có tiền, ngoài ra anh Công không có lương tháng từ ngành... Khi tiền thuê nhà ở TP.HCM tăng lên gần 3 triệu đồng/tháng, vợ chồng tôi quyết định tích cóp tiền mua đất xây nhà ở Long An, vừa rẻ vừa có chỗ đi về. Anh chấp nhận đi xa nhưng còn có cái nhà để đi về và bớt lo gánh nặng thuê nhà. Cũng ở đó, chúng tôi có thêm thành viên thứ tư trong gia đình là cháu Lê Trâm Anh mới được sáu tháng tuổi. Từ ngày về nơi ở mới, chi tiêu dồn hết lên vai anh Công. May là trời cho anh có sức khỏe, có nghị lực và làm việc bằng 4-5 người thường... nên mới vượt được quãng đường đi-về từ nhà đến nơi tập luyện ở Trung tâm TDTT Tân Bình hơn 60 km… . Để anh Công trở lại với nghiệp cử tạ chắc chắn phải có tác động rất lớn của chị chứ nếu không thì Việt Nam không có chiếc HCV như hôm nay? + Tôi cũng chỉ biết khuyên anh cố gắng tập luyện và trở lại. Trời cho khi nào thì hưởng khi đó chứ chẳng biết làm sao hơn. Chiều đi làm về tôi coi “Sóc con” cho anh đi tập. Trước khi anh lên sàn đấu cử tạ Paralympic, hai cha con nói chuyện qua Facebook rồi tự hứa và đặt mục tiêu với nhau. Anh Công bảo với cháu Tuấn Anh: “Con phải học giỏi lấy điểm 10 cho bố đi, bố sẽ đem huy chương vàng về cho con”. Đấy là động lực cho bố nên bố mới thi đấu dữ vậy đó... |