Ngày 29-10 Thủ tướng Lebanon Saad al-Hariri đệ đơn từ chức với lý do vì ông đã hết khả năng giải quyết được cuộc biểu tình quy mô lớn chống lại nhà cầm quyền và đẩy đất nước vào hỗn loạn.
Lebanon những ngày qua tê liệt trong làn sóng biểu tình lớn phản đối tình trạng tham nhũng lan tràn trong bộ phận chính trị gia làm kinh tế đất nước trì trệ. Cuộc biểu tình đang diễn ra ở Lebanon hiện tại thuộc hàng lớn nhất ở nước này từ năm 2008, sau khi các tay súng Hezbollah xung đột với lực lượng trung thành với ông Hariri và kiểm soát thủ đô trong thời gian ngắn.
Lực lượng an ninh Lebanon xung đột với người biểu tình ở thủ đô Beirut (Lebanon) ngày 29-10. Ảnh: AFP
“Trong 13 ngày người dân Lebanon đã chờ đợi một quyết định, một giải pháp chính trị có thể giúp ngăn chặn tình trạng xấu hơn của nền kinh tế. Và tôi đã cố tìm một giải pháp, thông qua lắng nghe tiếng nói của mọi người… Giờ là lúc chúng ta phải có cuộc cải tổ lớn để đối mặt với khủng hoảng. Với tất cả đối tác trong bộ máy chính trị, trách nhiệm của chúng ta hôm nay là làm cách nào chúng ta bảo vệ được Lebanon và khôi phục nền kinh tế” – ông Hariri phát biểu trước toàn dân trước khi đệ đơn từ chức lên Tổng thống Lebanon Michel Aoun.
Ông Saad al-Hariri đệ đơn từ chức thủ tướng lên Tổng thống Lebanon Michel Aoun ngày 29-10. Ảnh: REUTERS
Tổng thống Michel Aoun là đồng minh chính trị của nhóm vũ trang Hezbollah, vốn đang có sức mạnh lớn trong Quốc hội Lebanon.
Ông Hariri là một chính trị gia hàng đầu người Sunni, được phương Tây và các đồng minh Ả Rập người Sunni ủng hộ. Việc ông Hariri từ chức có thể đưa Lebanon vào tình hình khó đoán.
Bước đi của ông Hariri càng làm leo thang căng thẳng chính trị ở nước này và có thể làm phức tạp việc thành lập một chính phủ mới. Lebanon có thể sẽ rơi hoàn toàn vào sự kiểm soát của nhóm vũ trang Hezbollah được Iran bảo trợ, khiến Lebanon khó khăn hơn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài mà nước này đang rất cần để có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ giai đoạn nội chiến 1975-1990.
Người ủng hộ Hezbollah biểu tình trên đường phố Beirut ngày 29-10. Ảnh: AP
Bản thân Hezbollah cũng không muốn ông Hariri ra đi. Với Hezbollah, ông Hariri là một tiêu điểm của sự giúp đỡ từ phương Tây và các nước Ả Rập vùng Vịnh cho Lebanon.
Việc Tổng thống Aoun phải làm sau khi nhận đơn là hoặc đồng ý cho ông Hariri ra đi và bắt tay thành lập chính phủ mới, hoặc thuyết phục ông Hariri ở lại.