Lệnh phong tỏa vì dịch Corona: Tôi muốn sống!

Những người Trung Quốc làm công việc phi chính thức đang vật lộn để kiếm tiền trang trải sinh hoạt hằng ngày khi dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCoV) khiến toàn bộ con đường vắng người qua lại và các doanh nghiệp đóng cửa, theo kênh Al Jazeera.

“Tôi muốn sống”

Vào sáng 4-2, cô Lanying Guo bắt đầu công việc tại nhà hàng bánh bao nhỏ của mình trong một con hẻm ở Bắc Kinh như cô đã làm bảy ngày trước đó.

Trong khi nhiều người được khuyên không ra ngoài để hạn chế lây lan virus, Guo vẫn mở tiệm và kiếm được một khoản tiền ít ỏi hồi tuần trước. Tuy nhiên, cô hy vọng sẽ có nhiều khách hàng hơn đến tiệm bánh bao của cô vào ngày 3-2 bởi nghĩ rằng nhiều người sẽ quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, con hẻm vẫn hoàn toàn im ắng.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), 54,5% người lao động Trung Quốc đang làm việc trong những lĩnh vực phi chính thức. Ảnh: REUTERS

Để kiểm soát việc lây lan virus, các quan chức ở Bắc Kinh đã kéo dài kỳ nghỉ tết Nguyên đán và cho phép nhân viên làm việc tại nhà giống như nhiều tỉnh và TP khác ở Trung Quốc.

“Nhằm đảm bảo ngăn chặn sự lây lan của virus Corona, tất cả nhân viên, ngoại trừ những nhân viên thiết yếu hỗ trợ các dịch vụ của chính phủ, dự kiến quay trở lại làm việc vào ngày 10-2” - tuyên bố từ chính quyền TP Bắc Kinh cho hay.

Nhưng tuyên bố đó đồng nghĩa rằng sẽ chẳng có khách hàng nào đến cửa hàng của Guo.

“Tôi thật sự không kiếm được đồng tiền nào trong gần hai tuần nay, và tôi không biết mình có thể chịu đựng được bao lâu. Tôi muốn sống” - Guo khóc và nói.

Guo bị suy thận giai đoạn cuối và phải đi lọc máu trong bốn năm nay. Trải qua một cuộc hôn nhân đổ vỡ và không có con, Guo phải hoàn toàn tự lập mọi thứ. Tuy nhiên, cô phải đi tới bệnh viện ba ngày một tuần để điều trị. Không có thu nhập hằng ngày và không có tiền chi trả cho mỗi lần lọc máu, mạng sống của cô sẽ không kéo dài được lâu.

 “Họ xem chúng tôi như những con virus”

Dịch Corona dự kiến sẽ gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế Trung Quốc, nhưng đối với những người lao động phi chính thức và có thu nhập thấp như Guo, việc không có thu nhập có thể suy sụp hơn nhiều.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), 54,5% người lao động Trung Quốc đang làm việc trong những lĩnh vực phi chính thức như công nhân xây dựng, bưu tá. Những người khác làm nghề tự do. Không có thu nhập ổn định hay hợp đồng bảo hiểm, những người lao động này là những người đầu tiên bị ảnh hưởng trong bất kỳ sự suy thoái kinh tế nào.

Trong trường hợp của anh Jun Xiang, những nỗ lực ngăn chặn virus Corona của chính phủ Trung Quốc với việc phong tỏa vùng dịch ảnh hưởng không chỉ bản thân anh mà còn toàn bộ gia đình anh.

Nhiều người dân Trung Quốc sống trong cảnh bấp bênh trong các trường hợp khẩn cấp như dịch Corona bùng phát. Ảnh: EPA

Trước khi dịch bệnh bùng phát, anh Xiang làm công nhân xây dựng ở Vũ Hán nhưng đã trở về quê ở tỉnh Hồ Nam để đón tết Nguyên đán. Sau đó thì Vũ Hán bị phong tỏa.  Điều Xiang lo ngại bây giờ là kiếm tiền để nuôi cả nhà anh và để con gái anh tiếp tục được đến trường.

“Tôi đã giúp xây dựng Trung tâm Greenland ở Vũ Hán” - Xiang tự hào nói qua điện thoại, nhắc tới tòa nhà chọc trời chưa hoàn thành ở Vũ Hán. Thông thường, những công nhân xây dựng được trả tiền theo giờ hoặc theo ngày. Nếu họ không làm thì họ sẽ không được trả tiền.

 “Thành thật mà nói, nếu có thể tôi sẽ trở lại vì con gái tôi cần đến trường. Sẽ không có ai ở Hồ Nam thuê tôi. Tất cả mọi người xem chúng tôi là virus” - Xiang thở dài.

Xiang là trụ cột duy nhất của gia đình. Nếu anh vẫn tiếp tục bị mắc kẹt ở Hồ Nam mà không tìm được việc làm, cả nhà anh sẽ chết đói, Xiang nói.

Đề nghị trợ cấp

Guo và Xiang chỉ là hai trong số hàng triệu người sống bên lề kinh tế ở Trung Quốc.

Các nhà phân tích đề nghị rằng chính quyền nên trợ cấp cho những nhóm có thu nhập thấp khi tình trạng phong tỏa tiếp tục.

“Chính phủ nên đảm bảo nhóm có thu nhập thấp và những người thất nghiệp có được mức sinh kế ổn định mà không bị tác động bởi dịch bệnh. Chính phủ cũng phải có trách nhiệm chuẩn bị cho sự bất ổn xã hội có thể xảy ra” - ông Hongze Ren, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Hengda của ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc), nói.

Theo dữ liệu mới nhất do Cục Thống kê Trung Quốc công bố, thu nhập trung bình hằng năm của người dân Trung Quốc là 22.852 nhân dân tệ (3.262 USD) trong năm 2019. Tuy nhiên, hơn 60% dân số dưới mức đó.

Chuyên gia Ren cho hay bất kể chính phủ Trung Quốc có kế hoạch giảm thiểu thiệt hại như thế nào cho các nhóm dễ bị ảnh hưởng thì cũng cần phải hành động nhanh chóng.

“Khi những chính sách được đưa ra thảo luận thì cuộc sống của mọi người không bị gián đoạn” - ông Ren nhấn mạnh.

Khi số ca nhiễm và tử vong vì dịch Corona ở Trung Quốc tiếp tục tăng, những người lao động như Guo hay Xiang khó lòng mà tuân theo các sắc lệnh phải ở nhà của chính phủ.

“Mọi người nói rằng tôi vô trách nhiệm nếu tôi không ở nhà. Tôi hiểu điều đó. Nhưng có lẽ họ không hiểu tiền có ý nghĩa gì với tôi, đó là sự sống của tôi” - Guo nói.

Theo tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn số liệu từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, tính đến sáng 8-2, có thêm 86 người tử vong vì dịch Corona, nâng tổng số người chết trên toàn thế giới lên 724 và số ca nhiễm là 34.879. Trong số những ca tử vong, có hai ca ngoài lãnh thổ Trung Quốc (1 ca ở Philippines và 1 ca ở đặc khu Hong Kong).

Riêng tâm dịch Hồ Bắc sáng 8-2 ghi nhận thêm 81 ca tử vong tại tỉnh này, nhiều hơn 12 người so với hôm 7-2 và nâng số người chết tại địa phương lên 699 người. Hồ Bắc xác nhận thêm 2.841 ca nhiễm mới, đưa tổng số người nhiễm virus Corona tại tỉnh này lên 24.953.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm