Một hội đồng gồm các chuyên gia Liên Hiệp Quốc (LHQ) ngày 11-9 yêu cầu Trung Quốc bảo vệ quyền của những người biểu tình tại Hong Kong, đồng thời bày tỏ báo động trước các báo cáo nói về những vụ tấn công người biểu tình và bắt giữ các nhà hoạt động, theo hãng tin UPI (Mỹ).
“Con đường tiến về phía trước không phải thông qua việc đàn áp những tiếng nói bất đồng và sử dụng vũ lực quá mức. Chúng tôi yêu cầu các nhà chức trách tham gia đối thoại chân thành nhằm giải quyết những lo ngại của những người biểu tình đang lo lắng cho tương lai của Hong Kong”, các chuyên gia LHQ nói trong một tuyên bố ngày 11-9.
Người biểu tình Hong Kong trốn sau những chiếc ô khi biểu tình biến thành bạo lực hôm 7-9. Ảnh: UPI
Nhóm chuyên gia LHQ gồm các báo cáo viên đặc biệt David Kaye, Michel Forst, Clement Nyaletsossi Voule và Nils Melzer ra tuyên bố trên từ Geneva, Thụy Sĩ sau một buổi điều trần tại Hội đồng Nhân quyền LHQ ngày 11-9.
Buổi điều trần của Hội đồng Nhân quyền LHQ cũng nghe tiếng nói phản đối người biểu tình của một số thành viên trong cộng đồng doanh nhân ủng hộ Bắc Kinh, trong đó có tỉ phú Pansy Ho Chiu-king, một trong những phụ nữ giàu nhất Hong Kong.
Phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền LHQ ngày 11-9, bà Pansy Ho Chiu-king, Chủ tịch Liên đoàn phụ nữ Hong Kong và là con gái của ông trùm sòng bạc Macau Stanley Ho Hung-sun, nói rằng những người ủng hộ biểu tình đã đe dọa bà không được lên tiếng, theo báo South China Morning Post (SCMP).
“Bằng việc phát biểu ở đây tại hội đồng, tôi bị đe dọa bởi những chiến binh tự do tự xưng này, những người ẩn mình đằng sau những chiếc mặt nạ và tài khoản ẩn danh trên trực tuyến”, bà Ho nói.
“Những đe dọa xấu xa và những tuyên bố khiêu khích đã được sử dụng để quấy rầy và phỉ báng tôi, gia đình tôi, việc kinh doanh của tôi nhằm buộc tôi im lặng về việc trình bày một quan điểm khác của sự thật”, bà Ho nói thêm.
Theo UPI, bà Ho nói rằng bà cảm thấy “bị đàn áp” bởi những người biểu tình, rằng gia đình bà “hằng ngày sống trong sợ hãi”.
Nữ tỉ phú Hong Kong nói rằng các cuộc biểu tình đã có tác động tiêu cực tới nền kinh tế của Hong Kong và những người biểu tình trẻ tuổi đang bị cực đoan hóa thành “chủ nghĩa cực đoan bạo lực”.
Nữ tỉ phú Hong Kong Pansy Ho Chiu-king phát biểu tại phiên họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ ngày 11-9. Ảnh: Tân Hoa Xã
Tuy nhiên, các chuyên gia LHQ yêu cầu nhà chức trách Trung Quốc và Hong Kong đảm bảo việc bảo vệ các cá nhân thực hiện quyền tự do hội họp một cách hòa bình của họ.
“Chúng tôi vô cùng lo ngại trước những báo cáo đáng tin cậy về những trường hợp lặp đi lặp lại, trong đó nhà chức trách không đảm bảo môi trường an toàn cho các cá nhân tham gia biểu tình công cộng mà không có bạo lực hoặc can thiệp”, các chuyên gia LHQ nhấn mạnh.
Các chuyên gia cũng lên án tình trạng bạo lực từ một bộ phận nhỏ người biểu tình, và nhấn mạnh rằng quyết định chính thức rút dự luật dẫn độ gây tranh cãi của Trưởng Đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) hồi tuần trước “cho thấy thiện ý từ chính quyền địa phương trong việc giải quyết một số tuyên bố của người biểu tình”.
Dù vậy, những người biểu tình gọi động thái rút dự luật dẫn độ của bà Lam là “quá ít, quá trễ”, và không có dấu hiệu cho thấy phong trào biểu tình của họ sẽ dừng lại cho tới khi tất cả yêu cầu của họ được đáp ứng.
Các yêu cầu của người biểu tình ngoài rút dự luật dẫn độ, còn gồm điều tra độc lập vào hành vi của cảnh sát khi trấn áp biểu tình, loại bỏ từ “bạo động” khi nói về người biểu tình, tha bổng những người biểu tình bị bắt, tổ chức bầu cử trực tiếp để chọn ra các chính trị gia của Hong Kong.
Một vòng các hoạt động biểu tình mới được lên kế hoạch vào cuối tuần này, bao gồm tuần hành núi Lion Rock của Hong Kong vào 13-9 và làm gián đoạn mạng lưới giao thông dẫn tới sân bay quốc tế Hong Kong vào 14-9.
Cảnh sát Hong Kong đã chính thức cấm một cuộc tuần hành được lên kế hoạch vào 15-9 và những nhà tổ chức cuộc biểu tình này đã gửi đơn kháng nghị.
Các hoạt động biểu tình quy mô nhỏ hơn đã tiếp tục diễn ra khắp Hong Kong vào cuối tuần qua, gồm biểu tình ngồi tại một vài trung tâm mua sắm, nơi đám đông tụ tập, hô hào và hát một bài hát mới được sáng tác gần đây và được thông qua như một bài hát cho phong trào biểu tình với tên “Glory to Hong Kong”.
Buổi điều trần hôm 11-9 không phải là lần đầu Hội đồng Nhân quyền LHQ thảo luận về làn sóng biểu tình đang làm chao đảo Hong Kong. Hồi tháng 6, ca nhạc sĩ Hong Kong Denise Ho Wan-sze đã yêu cầu cơ quan này chấm dứt tư cách thành viên của Trung Quốc và triệu tập một phiên họp khẩn để bảo vệ những người Hong Kong.