Liệu EU và Mỹ sẽ đưa nhau ra WTO vì Đạo luật Giảm lạm phát?

(PLO)- Châu Âu đang phản ứng rất gay gắt trước Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ về trợ cấp tài chính chống biến đổi khí hậu cho các công ty nước này, vì lo ngại các công ty châu Âu bị bỏ lại phía sau.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau gần một năm đoàn kết đối phó với Nga vì vấn đề Ukraine, mối quan hệ Mỹ - Liên minh châu Âu (EU) hiện rơi vào tình trạng căng thẳng khi nhiều nước châu Âu phản ứng với chính sách mới của Washington về trợ cấp chống biến đổi khí hậu, dưới hình thức Đạo luật Giảm lạm phát mới được Tổng thống Joe Biden ban hành hồi tháng 8.

EU lo nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh

Theo tờ Financial Times, Đạo luật Giảm lạm phát là một gói chi tiêu trị giá 738 tỉ USD, trong đó 391 tỉ USD được phân bổ đầu tư cho các dự án công nghiệp thân thiện với khí hậu và năng lượng xanh, bao gồm 270 tỉ USD ưu đãi thuế và trợ cấp tài chính cho các nhà sản xuất và người tiêu dùng Mỹ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Nhà Trắng trong chuyến thăm mới đây của ông Macron tới Mỹ. Ảnh: BLOOMBERG/GETTY IMAGES

Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Nhà Trắng trong chuyến thăm mới đây của ông Macron tới Mỹ. Ảnh: BLOOMBERG/GETTY IMAGES

Đạo luật này đã làm dấy lên lo ngại ở EU, nhiều quan chức cảnh báo có thể gây ra tình trạng “phân biệt đối xử” đối với các công ty châu Âu. EU cáo buộc Đạo luật Giảm lạm phát đang tạo lợi thế cạnh tranh không lành mạnh - ví dụ cho các nhà sản xuất xe điện Mỹ, đẩy các công ty châu Âu vào thế bị thiệt về giá cả, dẫn tới thua lỗ nghiêm trọng trên thị trường Mỹ. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen lo ngại Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ sẽ tác động tiêu cực đến thị trường và làm phân mảnh chuỗi cung ứng quan trọng.

Dù hoan nghênh cam kết của chính quyền ông Biden trong việc chống lại biến đổi khí hậu, giới chức EU cho rằng “quá trình chuyển đổi xanh không phải là điều gì có thể đạt được bằng cách làm ảnh hưởng tới quyền lợi của bên khác”. EU muốn Mỹ nhanh chóng mở rộng các biện pháp trợ cấp sang cả các doanh nghiệp châu Âu, không chỉ cho công ty Mỹ.

Nguy cơ đem tranh chấp ra WTO

Trả lời phỏng vấn tờ Berliner Morgenpost ngày 3-12, Chủ tịch Ủy ban Thương mại thuộc Nghị viện châu Âu Bernd Lange cảnh báo EU có thể đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để chống lại Đạo luật Giảm lạm phát gây tranh cãi của Mỹ.

“Tôi cho rằng lúc này các cuộc đàm phán giữa EU và Mỹ sẽ không thể giúp thống nhất ngay cả về những thay đổi nhỏ trong việc thực hiện Đạo luật Giảm lạm phát. Mỹ sẽ vẫn giữ nguyên cấu trúc cơ bản của đạo luật này. Về vấn đề này, tôi nghĩ rằng EU cần nhanh chóng đệ đơn khiếu nại lên WTO trong những tháng tới” - ông Lange đề nghị, đồng thời nói thêm rằng vụ kiện sẽ có thể cho thấy rằng các hành động của Mỹ không phù hợp với các quy định của WTO.

Trong khi EU chỉ trích thì thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho rằng Đạo luật Giảm lạm phát “mang đến những cơ hội đáng kể cho các công ty châu Âu cũng như lợi ích đối với an ninh năng lượng của EU”, có các điều khoản sẽ góp phần vào sự phát triển của ngành năng lượng sạch trên toàn cầu.

Ủy viên phụ trách thị trường nội địa châu Âu Thierry Breton cũng cảnh báo rằng liên minh này có thể có biện pháp đáp trả động thái của Mỹ mà khối nhận định là “đi ngược lại quy tắc của WTO”. Bên cạnh đó, ông Breton ủng hộ châu Âu xây dựng một kế hoạch tương tự của Mỹ, trong đó nhấn mạnh việc thúc đẩy thành lập “Quỹ chủ quyền châu Âu” với ngân sách vào khoảng 2% GDP của EU, tương đương hơn 350 tỉ USD. Ông Breton cho biết thông tin liên quan đến kế hoạch này sẽ được công bố trong vài tuần tới, theo tờ The Wall Street Journal.

“Quỹ chủ quyền châu Âu” là dự án đã được Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen đề cập trong Thông điệp liên bang hằng năm hồi tháng 9-2022. Dự án này có mục tiêu là hỗ trợ cho ngành công nghiệp châu Âu, nhất là pin điện, bán dẫn, công nghệ hydro cũng như tăng khả năng kết nối giữa các nước thành viên để tăng tính cạnh tranh của châu Âu trước các chính sách mang tính bảo hộ từ các đối tác bên ngoài.

Theo bà Von der Leyen, để đối phó Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ, EU phải hành động và gia tăng hỗ trợ cho các công ty trong nước. Ngày 4-12, bà Von der Leyen một lần nữa kêu gọi EU “hành động” và tăng cường viện trợ nhà nước cho các công ty trong khối để cạnh tranh với ngành công nghiệp xanh của Mỹ.

Dù vậy, không phải ai trong EU cũng ủng hộ cách đối phó cứng rắn với Mỹ. Trong khi một số quốc gia thành viên EU, chẳng hạn như Pháp, yêu cầu trả đũa thì Cao ủy Thương mại Valdis Dombrovskis cho đến nay vẫn ủng hộ đàm phán với Mỹ.

Một nhóm đặc trách bao gồm các quan chức cấp cao của Ủy ban châu Âu và Mỹ đã gặp nhau lần đầu tiên vào đầu tháng 10. Phản ứng của EU cho biết họ “hy vọng sẽ tìm ra các giải pháp mang tính xây dựng và thân thiện”. Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói ông tin rằng một thỏa thuận thương mại giữa hai bên sẽ là phương pháp tốt hơn để xoa dịu xung đột, so với việc EU trợ cấp cho các công ty châu lục mình, theo hãng tin Reuters.•

Giới chuyên gia nói gì?

Theo các chuyên gia, động thái của EU phản ánh sự bất mãn ngày càng tăng của các đồng minh thân cận nhất của Mỹ và sự chia rẽ của phương Tây, xuất phát từ việc Mỹ đang theo đuổi lợi ích quốc gia của mình mà gây tổn hại cho các nước khác.

Ông Bai Ming, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu thị trường quốc tế tại Học viện Thương mại và kinh tế quốc tế Trung Quốc, cho biết một số điều khoản trong Đạo luật Giảm lạm phát nhằm hạn chế Trung Quốc cũng đã vấp phải sự phản đối của EU do các khoản đầu tư lớn của khối này vào Trung Quốc, theo tờ South China Morning Post.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm