Ngày 25-8, báo South China Morning Post đăng bài phân tích của chuyên gia nghiên cứu chính sách Mohamed Zeeshan (người Ấn Độ) về ảnh hưởng của quan hệ Nga-Ấn trong bối cảnh New Delhi bị mắc kẹt trong cuộc đối đầu chiến lược Mỹ-Trung.
Ông Zeeshan cho rằng Ấn Độ đang ở trong thế khó khi phải tạo thế cân bằng với Trung Quốc, nhất là sau vụ đụng độ biên giới nghiêm trọng hồi giữa tháng 6, nhưng lại không muốn tham gia liên minh chống Bắc Kinh do Mỹ dẫn đầu.
Trong bối cảnh này, New Delhi có vẻ đã lựa chọn giải pháp là tăng cường quan hệ với Nga, nhưng ông Zeeshan lo ngại việc này có thể "phản tác dụng".
Ấn Độ muốn Nga tham gia sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Cuối tháng 7, truyền thông Ấn Độ đưa tin Đại sứ nước này tại Nga - ông Bala Venkatesh Varma đã đề xuất Nga tham gia sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Mỹ khởi xướng.
Đoàn quan chức Bộ Quốc phòng Ấn Độ họp các quan chức cao cấp thuộc Bộ Quốc phòng Nga hôm 23-6 tại Moscow. Ảnh: TWITTER
Các chuyên gia phân tích chiến lược ở New Delhi cũng thảo luận nhiều về triển vọng Ấn Độ cùng Nga thiết lập liên kết ba bên với Nhật - một đối tác quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ.
Vào tháng 10 tới, Ấn Độ và Nga sẽ tổ chức hội nghị song phương thường niên. Các vấn đề liên quan tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rất có thể sẽ được đưa ra thảo luận tại hội nghị này.
Bằng việc kéo Nga vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Ấn Độ kỳ vọng không phải đưa ra lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ, đồng thời gây ra chia rẽ giữa Moscow và Bắc Kinh, ông Zeeshan nhận định.
Trong quan hệ song phương, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh được cho là đã tận dụng chuyến đi đến Nga dự lễ diễu binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9-5 (bị dời tới ngày 24-6 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19) để thuyết phục Moscow đẩy nhanh tiến độ chuyển giao các trang bị quốc phòng cho New Delhi.
Ngoài ra, hai nước đang hợp tác thiết lập tuyến vận tải hàng hải từ cảng Chennai (đông nam Ấn Độ) đến cảng Vladivostok (vùng Viễn Đông của Nga). Tình hình Biển Đông là một yếu tố quan trọng quyết định khả năng thành công của sáng kiến này, ông Zeeshan lưu ý.
Do đó, nếu Nga coi sự hung hăng của Trung Quốc là một mối đe dọa, Ấn Độ có thể tin tưởng rằng Moscow sẽ là một đối tác hữu ích đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ngoài ra, sự xuất hiện của Nga có thể phá thế lưỡng cực Mỹ-Trung và tạo ra môi trường địa chính trị đa cực, mở ra cơ hội cho các cường quốc tầm trung như Ấn Độ.
Mối quan hệ kinh tế-quân sự Nga-Trung ngày càng chặt chẽ
Chuyên gia Zeeshan nhấn mạnh rằng để thúc đẩy sự tham gia của Moscow vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương theo cách New Delhi muốn, điều kiện tiên quyết là Nga phải đồng ý với Ấn Độ, Mỹ, Nhật và các đối tác trong khu vực rằng sự bá quyền của Trung Quốc là mối đe dọa.
Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của phương Tây đang đẩy Nga xích lại gần Trung Quốc hơn.
Trong một thập niên qua, Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Moscow. Trong năm 2018, 15% giá trị ngoại thương của Nga là với các đối tác Trung Quốc.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) thăm gian hàng nông sản tại Triển lãm Đường phố Viễn Đông (Nga) năm 2018. Ảnh: AP
Ở chiều ngược lại, Nga đã giúp Trung Quốc xây dựng tiềm lực quân sự. Trong giai đoạn 2014-2018, Nga cung cấp tới 70% vũ khí mà Trung Quốc nhập khẩu.
Sự hợp tác kinh tế-quân sự quốc tế giữa Nga và Trung Quốc cũng được tăng cường. Sự hiện diện quân sự của Nga và sức mạnh kinh tế của Trung Quốc ở một quốc gia thứ ba có mối quan hệ bổ sung cho nhau, ông Zeeshan phân tích.
Ví dụ được nêu ra là Syria và Iran, hai quốc gia Trung Đông liên tục bị các nước phương Tây chỉ trích và cấm vận. Tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, quan điểm của Nga và Trung Quốc trong các vấn đề liên quan đến Baghdad và Tehran là giống nhau.
Với những lợi ích ngày càng tương đồng giữa Nga và Trung Quốc, ông Zeeshan cho rằng Moscow chỉ coi các vấn đề liên quan tới Bắc Kinh như con bài mặc cả với phương Tây.
Việc Ấn Độ lôi kéo Nga vào khu vực sẽ phản tác dụng
Đối với riêng New Delhi, việc Nga tham gia sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bị coi là sẽ phản tác dụng khi khiến các đối tác như Mỹ "tức giận và bị tổn thương".
Ông Zeeshan cho rằng Ấn Độ đang "tin tưởng một cách sai lầm" rằng Nga là nhân tố hỗ trợ chính sách "không liên kết" và niềm tin này có thể khiến New Delhi "khó đạt được các mục tiêu của mình hơn và chọc giận các đồng minh".
Trong khu vực, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thúc đẩy hai sáng kiến là bộ tứ kim cương của Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc (nhóm QUAD) và "G7 mở rộng".
Cuộc họp cấp bộ trưởng đầu tiên của nhóm QUAD đã diễn ra vào tháng 9-2019. Trong khi, ông Trump mong muốn Ấn Độ, cùng với Úc và Hàn Quốc, tham gia hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng sẽ diễn ra tại Mỹ trong vài tháng tới.
Theo nhà phân tích chiến lược người Ấn Độ - ông Raja Mohan, trong nhiều năm qua, New Delhi đã mong muốn tham gia vào G7 và do đó, tỏ ra "tương đối nhiệt tình" với sáng kiến của ông Trump.
Ngoài các đối tác phương Tây, Ấn Độ luôn khẳng định Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là một nhân tố trung tâm trong khu vực. Việc lôi kéo một cường quốc như Nga vào cuộc rất có thể sẽ cản trở định hướng này.
* Nhà phân tích Mohamed Zeeshan từng là chuyên viên trong Phái đoàn thường trực của Ấn Độ tại Liên Hợp Quốc và là tác giả của nhiều bài bình luận được đăng trên nhiều báo, tạp chí như The Diplomat, The National Interest, Deccan Herald…