Hôm 15-8, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có chuyến thăm hiếm hoi đến khu tự trị Tây Tạng. Trong chuyến đi, ông đã tới khu vực biên giới mà Bắc Kinh đang có tranh chấp với Delhi tại Thung lũng Galwan - nơi chứng kiến xung đột dai dẳng của hai nước trong suốt ba tháng qua, theo tờ South China Morning Post.
Chuyến đi của ông Vương được giới quan sát Trung Quốc nhận định là một động thái bất thường và mang tính biểu tượng. Ảnh: NDTV
Mặc dù trong tuyên bố Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra hôm 15-8 không đề cập đến Ấn Độ, chuyến đi đến biên giới của của ông Vương được giới quan sát Trung Quốc nhận định là một động thái bất thường và mang tính biểu tượng.
Chuyến đi của ông Vương diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán ngoại giao và năm vòng đàm phán quân sự đã không thể phá vỡ sự bế tắc về tranh chấp biên giới kéo dài giữa hai nước.
Hiện các cuộc đụng độ ở biên giới giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới đã tiến triển thành một cuộc căng thẳng ngày càng gay gắt về thương mại, công nghệ, đầu tư và địa chính trị.
Ông Vương - người đại diện đặc biệt của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán biên giới với Ấn Độ cho biết an ninh và ổn định ở Tây Tạng có tầm quan trọng then chốt đối với sự phát triển tổng thể của Trung Quốc.
Trong chuyến đi, ông Vương kêu gọi các nhà ngoại giao làm việc với các quan chức địa phương để bảo vệ an ninh quốc gia khi đối mặt các thách thức từ đại dịch COVID-19.
Chuyến đi của ông Vương diễn ra một ngày trước khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói sẽ xây dựng quân đội 1,4 triệu binh lính để bảo vệ chủ quyền của đất nước, trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm quốc khánh nước này.
Ông Vương là quan chức cấp cao đầu tiên của chính phủ trung ương Trung Quốc đến thăm khu vực biên giới kể từ khi cuộc đụng độ đẫm máu nhất giữa quân đội hai nước xảy ra vào ngày 15-6 ở Thung lũng Galwan.
Binh sĩ Ấn Độ trong cuộc đụng độ đẫm máu hồi tháng 6 giữa quân đội hai nước. Ảnh: AP
Ấn Độ cho biết 20 binh sĩ nước này thiệt mạng trong cuộc đụng độ, trong khi Bắc Kinh từ chối tiết lộ con số thương vong.
Bỏ qua những lo ngại quốc tế về mối quan hệ giữa Bắc Kinh đối với người Tây Tạng, ông Vương ca ngợi những thành tựu của Tây Tạng dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, đặc biệt là trong việc đảm bảo biên giới với Ấn Độ.
Khi nói về vai trò của Tây Tạng trong việc phát triển quan hệ kinh tế và thương mại với các nước láng giềng, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đặc biệt nhắc đến Sáng kiến Vành đai và Con đường - một dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng và chính sách đối ngoại hàng đầu của ông Tập.
Theo ông Gu Su - nhà khoa học chính trị tại ĐH Nam Kinh (Trung Quốc), chuyến thăm này của ông Vương nhằm khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh đối với khu vực biên giới tranh chấp.
Ông Gu Su cho rằng động thái này của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh không muốn tỏ ra yếu thế khi đối mặt với lập trường diều hâu của Ấn Độ (lập trường diều hâu - một thuật ngữ dùng để chỉ những người hiếu chiến, chủ trương giành chiến thắng bằng quân sự).
Ông Sun Shihai, một chuyên gia khác về vấn đề Ấn Độ tại ĐH Tứ Xuyên (Trung Quốc) cho rằng chuyến thăm của ông Vương nhấn mạnh tầm quan trọng của Tây Tạng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
Ông nói: “Tây Tạng từ lâu đã là một vấn đề rất nhạy cảm và Bắc Kinh phải hết sức thận trọng trước việc Ấn Độ và các chính phủ nước ngoài khác sử dụng 'quân bài' Tây Tạng".
Tuy nhiên, ông Sun cho biết việc tìm kiếm đối đầu với Ấn Độ không có lợi cho Trung Quốc và rất ít khả năng Bắc Kinh sẽ thay đổi chính sách hiện tại của mình.