Mỹ tới đây có thể sẽ tăng sức mạnh hải quân ở châu Á, trong bối cảnh khu vực ngày càng gia tăng đe dọa, mà sức mạnh hàng hải Mỹ lại có phần suy yếu vì các sự cố hải quân vừa qua.
Điều này được Đô đốc John Richardson, Chỉ huy Các Chiến dịch hàng hải Mỹ thông báo ngày 19-12. Ông cho biết Mỹ có thể sẽ huy động các tàu từ đông Thái Bình Dương về châu Á.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục thể hiện rằng mình đủ khả năng hoàn thành mọi chiến dịch ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Có thể sẽ có sự điều chuyển từ Hạm đội 3 để đáp ứng điều này” - Đô đốc Richardson nói trên boong tàu sân bay USS Ronald Reagan đậu ở căn cứ hải quân Yokosuka (Nhật) ngày 19-12, không nói rõ bao nhiêu tàu sẽ được điều chuyển.
Đô đốc Mỹ John Richardson phát biểu với các thủy thủ Mỹ trên tàu sân bay USS Ronald Reagan đậu ở căn cứ hải quân Yokosuka (Nhật) ngày 19-12. Ảnh: STARS AND STRIPES
Các đe dọa ngày càng tăng từ tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân Triều Tiên, các chiến dịch đối phó với việc Trung Quốc tăng sức mạnh quân sự trên biển Đông và một số khu vực khác của châu Á đang ngày càng tăng gánh nặng lên Hạm đội hải quân 7 của Mỹ.
Theo Reuters, gánh nặng này có thể có liên quan việc xảy ra hàng loạt tai nạn hàng hải, va chạm tàu chiến của Mỹ trong năm nay khiến 17 thủy thủ Mỹ thiệt mạng. Hồi tháng 8, tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS John S.McCain va chạm với một tàu hàng gần Singapore. Trước đó hai tháng, tàu khu trục USS Fitzgerald của Mỹ gần như chìm hẳn tại một vùng biển Nhật sau khi va chạm với một tàu hàng Philippines.
Đô đốc Mỹ John Richardson (trái), Chỉ huy Các Chiến dịch Hàng hải Mỹ gặp Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại Tokyo ngày 18-12. Ảnh: REUTERS
Đô đốc Richardson cho biết nhiệm vụ của ông trong năm 2018 là xây dựng một lực lượng hải quân “có tính sát thương hơn”, “nguy hiểm” hơn với các kẻ thù tiềm tàng của Mỹ.
Theo ông, Triều Tiên hiện là “vấn đề cấp bách nhất” với hải quân Mỹ ở châu Á, khi sức mạnh nước này ngày càng tăng với các vụ thử tên lửa mới. Gần nhất, ngày 29-11, Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-15 mà theo các chuyên gia có tầm bắn tiêu chuẩn tới 13.000 km, có thể bắn đến nước Mỹ.
Lo ngại thứ hai là Trung Quốc, vốn đang xây dựng nhiều căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo ở biển Đông nhiều nước đang tranh chấp. Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ rằng chính phủ Trump nhận định Trung Quốc đang muốn tăng uy tín, ảnh hưởng toàn cầu bằng cách phô diễn sức mạnh ở biển Đông. Chính sách an ninh quốc gia mới của Mỹ do chính Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố ngày trước đó cũng dè chừng Trung Quốc.
Ngày 19-12, Đô đốc Richardson cho biết Mỹ “sẽ tiếp tục hành động như vẫn luôn hành động”, sẽ tiếp tục hiện diện ở biển Đông.