Trên mặt đất, so với các loài động vật, người tiền sử ngủ ít hơn nhưng có được giấc ngủ sâu hơn, chính đây là mấu chốt giúp loài người qua thời gian ngày càng “mài giũa” được sức mạnh tinh thần và khả năng tư duy sáng tạo tuyệt vời so với loài vật. Đó chính là kết quả từ một nghiên cứu mới đây của các chuyên gia ĐH Duke thuộc bang Bắc Carolina (Mỹ) đã được đăng tải trên tạp chí Evolutionary Anthropology.
Hai chuyên gia David R. Samson và Charles L. Nunn đã quan sát giấc ngủ của các loài linh trưởng hiện nay và thấy rằng thời gian ngủ của chúng rất, rất dài… và tỉ lệ thuận với kích thước cơ thể của chúng. Còn loài người chúng ta? Trung bình mỗi người có khoảng bảy tiếng đồng hồ quý giá trong một ngày để ngủ, song điểm khác biệt quan trọng nhất trong giấc ngủ của chúng ta so với… khỉ đó là loài người có được 22% là giai đoạn giấc ngủ nghịch thường, tức thời gian xuất hiện những giấc mơ, mà loài khỉ không có!
Giấc ngủ nghịch thường có nhiều lợi điểm cho việc phát triển trí não. Theo hai chuyên gia trên, có lẽ chúng ta đã có được giai đoạn giấc ngủ nghịch thường cách đây ít ra cũng đã gần hai triệu năm… khi loài homo erectus xuống đất nhóm lửa để ngủ quây quần bên nhau cho ấm thay vì vắt vẻo trên cành cây. Chuyên gia David R. Samson giải thích rằng việc ngủ cheo leo trên cây bị gió đong đưa chẳng khác gì việc thiu thiu một cách khó nhọc trên máy bay vậy, trái lại trên mặt đất sẽ có nhiều “tiện nghi” để ngủ ngon và sâu hơn. Chính giấc ngủ sâu này giúp loài người tái tạo năng lượng tốt hơn để phát triển trí não và tiến hóa hoàn hảo hơn so với các loài linh trưởng hiện nay.