Lời kêu gọi cải tổ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nóng trở lại

(PLO)- Lời kêu gọi cải tổ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nóng trở lại trong bối cảnh hội đồng ngày càng khó tìm kiếm sự đồng thuận trong nhiều vấn đề cấp thiết của thế giới.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Lời kêu gọi cải tổ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) nóng trở lại, đặc biệt từ một số khu vực chưa có đại diện thành viên thường trực trong HĐBA, trong bối cảnh cuộc họp thường niên của Đại hội đồng LHQ sẽ diễn ra trong tháng 9 này.

Nỗ lực cải cách cơ quan quyền lực nhất của LHQ từ lâu đã được chú ý. Trong bài phát biểu tại LHQ vào năm 2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden từng đề cập các ghế thường trực cho châu Phi, Mỹ Latinh và vùng Caribe trong HĐBA.

Lời kêu gọi cải tổ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nóng trở lại
Cuộc họp của HĐBA LHQ tại trụ sở LHQ vào tháng 8-2024. Ảnh: BLOOMBERG

Lời kêu gọi cải tổ nóng trở lại

Vào tháng 8, Tổng thống Sierra Leone – ông Julius Maada Bio đã nhắc lại lời kêu gọi lâu nay của châu Phi về việc cải tổ HĐBA LHQ. Theo đó, ông kêu gọi hội đồng bổ sung 2 vị trí thành viên thường trực mới đại diện cho các quốc gia châu Phi.

Ông Bio nhấn mạnh châu lục này cũng là nơi sinh sống của hơn 1/4 các quốc gia thành viên LHQ và hơn 1 tỉ người nhưng vẫn "có quá ít đại diện trong cơ quan quan trọng này của LHQ”.

Các vấn đề liên quan châu Phi chiếm gần 50% hoạt động hàng ngày của HĐBA, phần lớn là nghị quyết liên quan hòa bình và an ninh. CNN dẫn lời một nhà ngoại giao cấp cao tại LHQ rằng châu Phi hiện nắm giữ rất nhiều ảnh hưởng trong 5 thành viên thường trực (P5) gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp, và Anh, trong bối cảnh Moscow và Washington đang cố gắng ảnh hưởng ở châu lục này.

Một số nhà ngoại giao tin rằng cuộc họp Đại hội đồng vào tháng 9 này sẽ là thời điểm quan trọng để suy ngẫm về tương lai của hệ thống đa phương và có thể chứng kiến ​​sự đồng thuận xung quanh lộ trình cải tổ HĐBA.

“Lần đầu tiên, chúng ta đang chứng kiến ​​sự chuyển động” – ông Alexander Marschik, đặc phái viên của Áo tại LHQ, đồng chủ trì nhóm liên chính phủ về các cuộc đàm phán cải tổ HĐBA, cho biết.

Ông Marschik nói rằng nhóm liên chính phủ trên đã thảo luận về việc cải tổ HĐBA trong 20 năm qua.

2023-09-20t203225z-2146326880-rc2kc3ave768-rtrmadp-3-un-assembly-20240828223508915.webp
Tổng thống Sierra Leone Julius Maada Bio phát biểu tại Đại hội đồng LHQ vào tháng 9-2023. Ảnh: REUTERS

Theo ông Marschik, mặc dù cuộc họp Đại hội đồng tháng 9 này khó có thể đưa đến quyết định cải tổ HĐBA, nhưng “chúng ta có thể thấy một lộ trình, một bản thiết kế về cách thực hiện việc cải tổ trong thời gian hợp lý”.

Có nhiều bước tiến nhưng...

Sự không đồng thuận giữa các thành viên thường trực HĐBA là một trong những nguyên nhân khiến hội đồng không thể ngăn chặn nhiều vấn đề lớn của thế giới, bao gồm các cuộc xung đột ở Gaza và Ukraine, mối đe dọa của vũ khí hạt nhân và biến đổi khí hậu.

Pháp và Anh đã hạn chế sử dụng quyền phủ quyết kể từ năm 1989. Trong khi đó, từ sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ, Nga, Trung Quốc thường xuyên sử dụng quyền này.

“Mỹ và Nga thường sử dụng quyền phủ quyết để bảo vệ quốc gia đối tác của họ hoặc để bảo vệ lợi ích quốc gia của chính họ” – bà Anjali Dayal, chuyên gia về LHQ, cho biết.

Ngoại trưởng Sierra Leone – ông Timothy Musa Kabba tin rằng HĐBA có nhiều thành viên thường trực hơn sẽ giúp cơ quan này phá vỡ bế tắc và mang lại cho hội đồng nhiều uy tín hơn.

“Có nhiều cuộc xung đột mà HĐBA LHQ đã đưa ra các nghị quyết không được thực hiện ngay lập tức. Điều này đôi khi cho thấy sự kém hiệu quả của hội đồng” – ông Kabba nói.

gettyimages-2168064837.webp
HĐBA LHQ chịu trách nhiệm duy trì hòa bình, an ninh toàn cầu và có thẩm quyền triển khai các phái bộ gìn giữ hòa bình. Ảnh: AFP

"Đây là một cuộc thảo luận đã diễn ra trong nhiều thập niên. Các nhà ngoại giao vẫn chưa nhất trí về công thức mở rộng HĐBA” – Daniel Forti, nhà phân tích cấp cao tại tổ chức nghiên cứu Crisis Group, nêu quan điểm.

Theo ông Forti, hiện đã có nhiều bước tiến trong quá trình đề nghị cải tổ HĐBA, “nhưng không có nghĩa là chúng ta tiến gần hơn đến việc đạt được cải tổ”.

CNN dẫn lời một nhà ngoại giao LHQ cho biết những nỗ lực nhằm bỏ quyền phủ quyết của P5 sẽ “không thể thực hiện” và “không phải là điều mà 3 nước lớn [Mỹ, Nga, Trung Quốc] sẽ đồng ý”.

Trong bối cảnh này, các đề xuất cải cách ở mức độ thấp hơn đang được chú ý. Điển hình là đề xuất của Liechtenstein (ở châu Âu). Theo đó, sáng kiến ​​này yêu cầu bất kỳ trường hợp phủ quyết nào của P5 đều phải được đưa ra tranh luận tại Đại hội đồng. Mặc dù quá trình này không thể lật ngược quyền phủ quyết của các nước P5 nhưng nó có thể khiến các nước này cân nhắc khi sử dụng quyền này.

HĐBA LHQ hiện có 5 thành viên thường trực (P5) gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp, và Anh. Năm nước này giữ vai trò trên kể từ khi LHQ được thành lập vào năm 1945. Vào thời điểm đó, hầu hết quốc gia trên thế giới vẫn còn chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân.

Ngày nay, các quốc gia trên khắp thế giới thay phiên nhau giữ chức thành viên không thường trực trong HĐBA LHQ. Tuy nhiên, dù có vị trí trong HĐBA, không có quốc gia nào ở Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh hoặc vùng Caribe có quyền phủ quyết như các thành viên thường trực của hội đồng.

Quyền phủ quyết cho phép các thành viên thường trực HĐBA LHQ chặn mọi nghị quyết, từ các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình đến các lệnh trừng phạt. Theo CNN, quyền phủ quyết này đôi khi có thể nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia và các quyết định liên quan chính sách đối ngoại của họ.

HĐBA chịu trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh toàn cầu. Hội đồng có thẩm quyền triển khai các phái bộ gìn giữ hòa bình, cho phép sử dụng vũ lực, áp lệnh trừng phạt và thông qua các nghị quyết. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng phần lớn các phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ đã giúp kiềm chế bạo lực và giảm xung đột ở các quốc gia như Sierra Leone.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm