XÉT XỬ VỤ CHUYẾN BAY GIẢI CỨU:

Lời khai về việc cựu thư ký Thứ trưởng quát 'đòi tiền' ngay trong phòng họp của Bộ Y tế

(PLO)- Cựu Chủ tịch Công ty Vijasun khai ban đầu nhất quyết không đưa tiền thì bị từ chối cấp phép hoặc cấp phép ngay trước ngày bay khiến doanh nghiệp khó khăn, công dân bị hành hạ... 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cuối giờ chiều ngày 11-7, VKS đã công bố xong bản cáo trạng 102 trang trong vụ án "Chuyến bay giải cứu" và bắt đầu phần thẩm vấn.

Thẩm phán chủ tọa phiên tòa Vũ Quang Huy yêu cầu cách ly một số bị cáo như Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục lãnh sự; Hoàng Văn Hưng, cựu trưởng phòng Cơ quan ANĐT Bộ Công an...

Chủ tọa tiến hành xét hỏi đối với các bị cáo đưa hối lộ, môi giới hối lộ.

Bị cáo Đào Minh Dương trả lời HĐXX.

Bị cáo Đào Minh Dương trả lời HĐXX.

Là người bị thẩm vấn đầu tiên, bị cáo Đào Minh Dương, Chủ tịch Công ty Vijasun, khai nộp hồ sơ cho 4 Bộ và nộp tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao. Quá trình cấp phép, ban đầu bị cáo không đưa tiền và bị gây khó khăn.

Bị cáo bị từ chối cấp phép rất nhiều lần. Bà Hương Lan gây khó dễ, ép phải đưa tiền. Những lần được cấp phép thì mai bay hôm nay mới được cấp phép. Trong khi mỗi chuyến thuê tàu bay phải đặt trước 30 ngày, giá thuê tàu bay thì lớn, từ 6-9 tỉ đồng.

''Ban đầu bị cáo nhất quyết không đưa tiền thì bị đưa vào tình thế khó khăn cùng cực''- bị cáo Dương khai.

Sau khi bị gây khó khăn, bị cáo có đến gặp Phạm Trung Kiên, khi đó là Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế. Ông Kiên yêu cầu muốn tổ chức chuyến bay thì phải nộp 150 triệu đồng mỗi chuyến, không có thì không được phê duyệt.

Theo lời khai của bị cáo Dương, khi đến gặp bị cáo Kiên thì chứng kiến bị cáo Kiên quát trong phòng họp của Bộ Y tế: "Các anh nộp cho anh Tuấn (Vũ Anh Tuấn, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an – PV) bao nhiêu thì nộp cho tôi như thế". Vì thế mỗi chuyến bị cáo phải nộp tiền cho bị cáo Kiên.

"Khi tôi gặp anh Vũ Anh Tuấn thì anh Tuấn bảo ''em không phải người ký, anh không nộp tiền thì sếp không ký'' "- Dương khai.

Bị cáo Dương nói rằng công dân về nước thì phải thu dọn đồ đạc, trả nhà chuẩn bị nhiều thứ nhưng cấp phép như thế thì người dân bị hành hạ, không bảo hộ công dân.

Theo cáo buộc, Công ty Cổ phần Vijasun, được thành lập năm 2004, hoạt động trong lĩnh vực du lịch lữ hành, vận tải.

Thông qua các mối quan hệ, từ tháng 10-2021 đến tháng 1-2022, Đào Minh Dương đã gặp, đặt vấn đề và đưa hối lộ 3,5 tỉ đồng 3 cá nhân có thẩm quyền để xin cấp phép các chuyến bay cho Công ty Vijasun.

Tại phiên tòa, bị cáo Dương thừa nhận đã hai lần đưa tiền 1,1 tỉ đồng cho Phạm Trung Kiên; đưa số tiền 1,6 tỉ (bốn lần) cho Vũ Anh Tuấn.

Đối với trường hợp đưa tiền cho bị cáo Vũ Ngọc Minh (cựu đại sứ Việt Nam tại Angola), bị cáo Dương khai khi đó Công ty có một chuyến bay từ Angola về. Do Angola không có hãng hàng không của Việt Nam hoạt động nên bị cáo Dương phải nhờ đại sứ quán liên hệ để có chuyến bay.

Ông Minh đưa ra ba điều kiện là Công ty Vijasun phải đưa ông Minh xem danh sách, danh sách phải được ông Minh đồng ý mới bán vé, mỗi vé đưa ông Minh 3 triệu. Tổng cộng bị cáo Dương đã đưa ông Minh 864 triệu đồng.

Quá trình điều tra, Đào Minh Dương và gia đình nộp 600 triệu đồng khắc phục hậu quả.

Theo cáo buộc, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, Chính phủ chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước.

Lợi dụng chủ trương trên, một số cá nhân thuộc các Bộ, ngành được giao nhiệm vụ cấp phép chuyến bay, cách ly ở địa phương và một số cá nhân đại diện doanh nghiệp, cùng một số đối tượng khác đã thực hiện hành vi phạm tội.

Từ tháng 9-2020 đến tháng 12-2022, 25 bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao, nhận hối lộ gần 165 tỉ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10,4 tỉ đồng.

23 bị cáo là đại diện doanh nghiệp đưa hối lộ hơn 226,7 tỉ đồng; 4 bị cáo môi giới hối lộ số tiền hơn 74,4 tỉ đồng và 2 bị cáo lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 24,5 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm