Cha con nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch - Phạm Bình Minh: Chuyện ở nhà có hai bộ trưởng
LTS: TVN xin tiếp tục giới thiệu loạt tư liệu về con đường trở thành nhà ngoại giao của cha con Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch.
"Cha tâm huyết với ngoại giao, mong con kế nghiệp cha"
Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch tên thật là Phạm Văn Cương. Cái tên Nguyễn Cơ Thạch được ông dùng khi đi hoạt động cách mạng. Khác với nhiều gia đình cách mạng khác, ông vẫn quyết định giữ nguyên họ cho con cái mình. Đó là lời giải thích cho thắc mắc của nhiều người về việc cha con ông người họ Nguyễn, người họ Phạm.
Theo lời người con trai trưởng của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là Phạm Tuấn Phan, thì trong bốn người con, phải đến con út Phạm Bình Minh, cố Bộ trưởng mới tìm được người kế tục.
Giai đình Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Ảnh gia đình cung cấp
Bà Phan Thị Phúc nhớ lại, năm 1977, khi người con trai út Phạm Bình Minh thi đỗ vào Đại học Bách khoa với số điểm rất cao, ông Nguyễn Cơ Thạch đã tâm sự với con trai: "Cha rất tâm huyết với công tác ngoại giao và thực lòng mong muốn trong 4 đứa có một người sẽ kế nghiệp cha".
Sau lời đề nghị tha thiết của cha, Phạm Bình Minh trở thành sinh viên của Học viện Quan hệ Quốc tế (nay là Học viện Ngoại giao). Câu chuyện này cũng từng được Bộ trưởng Phạm Bình Minh kể với báo Tuổi trẻ năm 2006, khi trở thành Uỷ viên dự khuyết Trung ương: " Tôi luôn biết ơn cha vì lời đề nghị ấy đã giúp tôi có cơ hội làm một công việc đầy ý nghĩa".
Nhưng cũng giống như với người con trai cả, ngoài việc chia sẻ với con những kinh nghiệm của mình, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch luôn khuyến khích con cái tinh thần tự lập.
Trong trí nhớ của bà Phan Thị Phúc, lúc còn giữ cương vị Bộ trưởng, ông Nguyễn Cơ Thạch rất quan tâm đến vấn đề kinh tế: "Đi đến nước nào ông ấy cũng cố tìm hiểu cho bằng được cách người ta làm kinh tế. Ông ấy luôn nói rằng một quốc gia muốn hùng cường, mạnh về chính trị và quân sự thôi chưa đủ, nhất định phải mạnh cả về kinh tế nữa. Ông ấy đọc rất nhiều các sách về kinh tế của các nước, đặc biệt là các nước tư bản. Phạm Bình Minh đi học kinh tế ở Hà Lan rồi Havard cũng là theo định hướng của cha".
Phu nhân cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch nói, khi còn sống, ông vẫn luôn cố gắng dành mọi thời gian rảnh đề truyền dạy cho con trai mình những kinh nghiệm nghề nghiệp mà ông có, từ những vấn đề liên quan đến đường lối ngoại giao, kinh nghiệm đàm phán, đến nghệ thuật giao tiếp "Chồng tôi luôn nói với con trai: "Làm ngoại giao, cái gì không nói được thì không nói, cái gì nói được thì phải nói thẳng, nói đến cùng".
Cũng phải nói thêm rằng, không chỉ có cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, ngay cả bà Phan Thị Phúc - vợ ông, cũng là người ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp ngoại giao của chồng và con trai.
Thời còn theo cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đi khắp nơi trên thế giới, bà Phan Thị Phúc luôn là cánh tay phải của ông. Mỗi chuyến đi, ông bà đều bàn bạc với nhau rất kỹ để ông có thể hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất có thể. Bà cũng là người giúp ông tổng hợp và phân tích những thông tin đáng chú ý, mà vì công việc quá bận rộn không phải lúc nào ông cũng nắm hết được. Rất nhiều cuốn sách hay, rất nhiều kiến thức về các nước trên thế giới đã giúp ông có thêm chất liệu trong công tác ngoại giao, là do sự chia sẻ của vợ mình. Khi cuối đời, có lần cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã trìu mến nói với vợ: "Sự nghiệp của anh có một nửa là của em".
Sau khi Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch qua đời vào năm 1998, bà Phan Thị Phúc là người vẫn dõi theo mỗi bước đi của con trai mình. Bà kể: "Chồng tôi thường phải đi công tác, có những chuyến công tác kéo dài cả năm trời, nên việc chăm sóc, dạy dỗ các con ngày nhỏ hầu như do tôi đảm nhiệm. Tôi vẫn dạy con, học để thành tài, để làm lợi cho đất nước, chứ không chỉ biết đến bản thân mình. Tôi yêu cầu các con đọc Thép đã tôi thế đấy, tôi kể cho các con nghe về tấm gương của những người anh hùng dân tộc".