Ngày 14-4, Chính phủ Nam Phi cho biết một trận lũ lụt kinh hoàng ở tỉnh ven biển phía đông đất nước hồi đầu tuần này đã khiến ít nhất 341 người thiệt mạng. Lực lượng cứu hộ hiện vẫn đang tiếp tục tìm kiếm những người mất tích. HãngReuters đưa tin rằng dự báo sẽ có nhiều trận mưa hơn ở khu vực này kể từ ngày 15-4.
Thủ hiến tỉnh KwaZulu-Natal Sihle Zikalala cho biết trong một cuộc họp báo trực tuyến: “Tổng cộng 40.723 người đã bị ảnh hưởng và đáng buồn là có đến 341 trường hợp tử vong. Mức độ thiệt hại chắc chắn sẽ lên tới hàng tỉ rand (đơn vị tiền tệ Nam Phi).”
Ông gọi lũ lụt là một “thảm họa chưa từng có trong lịch sử của tỉnh và có lẽ là của đất nước” Nam Phi.
Cảnh hoang tàn sau đợt lũ lớn ở Nam Phi hồi đầu tuần. Ảnh: REUTERS |
Ngày 13-4, tỉnh này đã được tuyên bố là một khu vực thảm họa sau những trận mưa không ngớt vào cuối tuần và trận mưa lớn hôm 11-4 đã làm ngập lụt nhà cửa, cuốn trôi đường và cầu, các phương tiện giao thông, đồng thời làm gián đoạn hoạt động vận chuyển ở một trong những cảng bận rộn nhất của châu Phi.
Theo Reuters, một số người dân thị trấn Isiphingo, thuộc tỉnh KwaZulu-Natal, Nam Phi đang tìm nơi trú ẩn tại một trung tâm cộng đồng, và vẫn đang chờ đợi sự giúp đỡ từ chính phủ, trong tình trạng không có nước và điện.
Thủ hiến Zikalala cho biết chính phủ vẫn đang kiểm đếm số người mất tích và nỗ lực di dời người dân. Thảm họa đã gây ra thiệt hại cho 248 trường học, gây gián đoạn nghiêm trọng hệ thống cung cấp điện, nước và dịch vụ, mặc dù đã có những nỗ lực để đưa mọi thứ trở lại bình thường.
Bờ biển phía Đông Nam của châu Phi là nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hệ thống thời tiết biển khu vực. Các nhà khoa học cho rằng hệ thống này đang trở nên tồi tệ hơn do hiện tượng ấm lên toàn cầu. Họ dự đoán tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nhiều trong những thập kỷ tới.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa mô tả đợt lũ là một thảm họa kinh hoàng, đồng thời nói thêm rằng nó "rõ ràng là một phần của biến đổi khí hậu".
"Chúng ta không còn có thể trì hoãn những gì chúng ta cần làm, các biện pháp chúng ta cần thực hiện để đối phó với biến đổi khí hậu. Khả năng quản lý thiên tai của chúng ta cần phải ở cấp độ cao hơn" - ông Ramaphosa cho biết.