Hội nghị Kinh doanh Trung Quốc (TQ) - Ả Rập lần thứ 10 được tổ chức tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia từ ngày 11 đến ngày 12-6 kết thúc với các thỏa thuận đầu tư trị giá 10 tỉ USD. Phần lớn các thỏa thuận này là dự án đầu tư vào Saudi Arabia hoặc hợp tác giữa các công ty, tổ chức chính phủ Saudi Arabia với TQ, tờ South China Morning Post đưa tin.
Sự kiện có sự tham dự của hơn 3.500 người này diễn ra vài ngày sau chuyến thăm Saudi Arabia của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhằm tái khẳng định quan hệ song phương sau một thời gian dài căng thẳng.
TQ - Saudi Arabia hợp tác chặt chẽ
Trong số các công ty TQ được mời dự hội nghị, có một số công ty đã lọt vào danh sách đen của Mỹ, như công ty trí tuệ nhân tạo chuyên về nhận diện khuôn mặt SenseTime, công ty nghiên cứu gen BGI Group,...với cáo buộc góp phần vào việc giám sát các dân tộc thiểu số ở TQ dù các công ty này phủ nhận cáo buộc.
Giảng viên chuyên về nghiên cứu các vấn đề quốc tế tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Đông (TQ) Yan Jinglan cho rằng các công ty TQ có cơ hội tốt để xây dựng cơ sở hạ tầng, lắp ráp xe điện, làm các dự án năng lượng tái tạo, phát triển doanh nghiệp công nghệ khi Arab Saudi bắt tay vào thực hiện chiến lược Tầm nhìn 2030.
“Đầu tư và sản xuất tại vương quốc này sẽ mang lại lợi ích cho một số công ty TQ, đặc biệt là các nhà sản xuất đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt tại quê hương.” - ông Yan nhận định.
Bộ trưởng năng lượng Saudi Arabia - Hoàng thân Abdulaziz bin Salman Al-Saud (phải) phát biểu trong Hội nghị Kinh doanh Trung Quốc - Ả Rập lần thứ 10 vào ngày 11-6. Ảnh: REUTERS |
Chiến lược Tầm nhìn 2030 là kế hoạch phát triển giảm phụ thuộc vào dầu mỏ, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và Bắc Kinh cũng đã từng tuyên bố sẽ hỗ trợ tầm nhìn đa dạng hóa nền kinh tế của Saudi Arabia.
Trong Tầm nhìn 2030 của Saudi Arabia, Riyadh đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực công nghệ và năng lượng xanh, bao gồm việc phát triển ngành sản xuất xe điện trong nước.
Trong các thỏa thuận 10 tỉ USD được ký kết trong hội nghị vừa rồi, hơn một nửa trong tiền đầu tư là của thương vụ giữa nhà sản xuất ô tô điện Human Horizons của TQ và Bộ đầu tư Saudi Arabia nhằm thành lập một liên doanh nghiên cứu, sản xuất và bán hàng, theo tờ South China Morning Post.
Thương mại của Saudi Arabia chiếm ¼ tổng số 432 tỉ USD tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa TQ và các nước Ả Rập vào năm 2022. Thương mại song phương giữa Saud Arabia và TQ đạt 106 tỉ USD vào năm 2022, tăng 30% so với năm 2021.
Hồi tháng 3, Saudi Arabia đã được trao tư cách đối tác đối thoại của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), trong đó có TQ, Nga, là một bước tiến gần hơn đến tư cách thành viên chính thức của khối.
Mỹ, TQ và sự lựa chọn của Saudi Arabia
Trong hội nghị, Bộ trưởng năng lượng Saudi Arabia - Hoàng thân Abdulaziz bin Salman khẳng định Saudi Arabia hợp tác với tất cả các nước và bất kỳ nước nào muốn đầu tư với vương quốc này đều được chào đón.
Bàn về những lời chỉ trích giữa việc Saudi Arabia quá gần gũi với TQ, Hoàng tử Abdulaziz nói rằng ông bỏ ngoài tai những lời chỉ trích đó và không có cái gọi là sự gắn kết lớn lao giữa hai nước. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định vương quốc này và TQ đang hợp tác về nhiều mặt.
Trước đó, trong cuộc họp báo chung với ông Blinken, Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia - Hoàng thân Faisal Bin Farhan Al Saud nói rằng mặc dù vương quốc coi trọng mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ nhưng không có kế hoạch xa rời TQ - đối tác thương mại hàng đầu của vương quốc này bởi hợp tác với TQ sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho hai bên.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gặp Thái tử Saudi Arabia - ông Mohammed bin Salman trong chuyến thăm Arab Saudi hồi đầu tháng 6. Ảnh: AMER HILABI |
Tuy nhiên, ông khẳng định quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ vẫn bền vững và mạnh mẽ, đặc biệt là về hợp tác an ninh. Hai bên có có các cuộc tập trận quân sự gần như thường xuyên, cùng hợp tác, chia sẻ thông tin tình báo,... như trong những nỗ lực chung ở Sudan, Yemen.
Giới quan sát cho rằng khi sự cạnh tranh của Mỹ với TQ (và Nga) ngày càng gia tăng, Saudi Arabia và các nước Trung Đông khác đang lựa chọn đa dạng hóa quan hệ đối tác nhằm tận dụng thế mạnh quan hệ mỗi nước đối tác để củng cố an ninh, thịnh vượng của mình.
Chuyên gia Hussein Ibish của tổ chức tư vấn Viện Các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh (Mỹ) cho rằng Saudi Arabia Mỹ đang cố gắng quản lý quá trình chuyển đổi mối quan hệ trong một thực tế đa cực mới, theo tờ The New York Times.
Ông nói thêm: “Mối quan hệ này giờ đây giống như cách mà Mỹ quan hệ với một số đối tác châu Âu. Hợp tác an ninh là chìa khóa và được cả hai bên duy trì. Tuy nhiên, Saudi Arabia đang thể hiện sức mạnh của mình trong nỗ lực trở thành một nhân tố quan trọng trong khu vực và quốc tế trong một thế giới đa cực”.
Trong trường hợp các quốc gia “sừng sỏ” của Trung Đông như Saudi Arabia xích lại gần TQ, thì thì Bắc Kinh cũng không thể trở thành đối thủ của Mỹ ở khu vực trong một sớm một chiều.
Hiện tại, Mỹ vẫn nắm giữ các quân bài chủ chốt ở Trung Đông, với các mối quan hệ thương mại, quân sự và tình báo rộng lớn với hầu hết các bên tham gia quan trọng trong khu vực.
Trong khi đó, Bắc Kinh tập trung vào định hướng kinh tế và không nghiêng về can thiệp và vào chính trị khu vực nên mối quan hệ Saudi Arabia - TQ khó có thể trở thành một liên minh toàn diện, theo đài CNN.