Bà Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Dâu Tằm Tơ Mỹ Đức đã chia sẻ điều này tại cuộc gặp mặt đoàn đại biểu doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam tham dự hội nghị kết nối cộng đồng doanh nghiệp ASEAN chiều 5-10.
Cuộc gặp mặt do UB Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức.
Theo bà Thuận, trong những năm qua, bà và cán bộ, công nhân viên công ty luôn nỗ lực giữ gìn nghề tơ tằm truyền thống. Công ty của bà tạo ra công ăn việc làm cho hơn 200 người với thu nhập khá.
“Sản phẩm của công ty chúng tôi được khách hàng ưa chuộng, xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật, Đức…”, bà Thuận cho biết. Tuy vậy, là một công ty tư nhân, dù nỗ lực gìn giữ nghề truyền thống, nhưng bà Thuận cho biết, quá trình mở rộng sản xuất kinh doanh cũng còn gặp nhiều hạn chế.
Đề xuất với Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam, bà Thuận mong muốn MTTQ Việt Nam có biện pháp phối hợp, thúc đẩy các cơ quan liên quan đẩy mạnh xúc tiến thương mại nhằm giúp cho không chỉ công ty của bà, mà các doanh nghiệp khác có điều kiện tham gia thị trường quốc tế.
“Chúng tôi mong muốn những nhọc nhằn, vất vả, nhưng giọt mồ hôi của người nông dân, công nhân trở thành những dải lụa vươn xa, vươn cao ra bầu trời quốc tế”, bà Thuận nói.
Bà Phan Thị Thuận mong muốn mồ hôi của công nhân trở thành dải lụa vươn ra quốc tế. Ảnh: CHÂN LUẬN
Ông Nguyễn Ngọc Tú, Phó Viện trưởng Viện Quản lý và Phát triển Châu á, trưởng đoàn đại biểu cho biết: Trong bức tranh phát triển chung của ASEAN 50 năm qua, hợp tác ASEAN là mảng màu rực rỡ và sống động nhất với những kết quả cụ thể và thiết thực.
“50 năm qua là cả một chặng đường dài bao gian khó với ASEAN cùng những mốc son lưu dấu, phấn đấu không mệt mỏi hướng tới mục tiêu “Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng đùm bọc và sẻ chia”, ông Tú nói.
Có gần 100 đại biểu là doanh nhân tham dự cuộc gặp. Ảnh: CHÂN LUẬN
Tuy vậy, ông Tú cũng cho hay: các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang phải đối đầu với không ít thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất là khoảng cách phát triển trong từng nước ASEAN vẫn còn lớn. GDP của nước giàu nhất trong khu vực cao gấp 43 lần nước nghèo. Đây cũng là một thách thức đối với Việt Nam trên lộ trình xây dựng và phát triển đất nước.
Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam bày tỏ vui mừng được đón tiếp và gặp mặt đại diện các doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu Việt Nam chuẩn bị tham gia Hội nghị Kết nối Cộng đồng Doanh nghiệp ASEAN 2017 và Diễn đàn Cộng đồng Kinh tế ASEAN tại Singapore - Indonesia - Malaysia.
Sau khi điểm qua những nét chính về kinh tế - xã hội của Việt Nam 9 tháng qua, ông Trần Thanh Mẫn cho rằng: toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hoá thương mại đã và đang là xu thế nổi bật của kinh tế thế giới đương đại.
Ông Trần Thanh Mẫn mong muốn các doanh nghiệp không ngừng mở rộng kinh doanh, trở thành cầu nối của tình hữu nghị quốc tế. Ảnh: CHÂN LUẬN
Theo ông Mẫn, 50 năm qua, ASEAN đã thể hiện là một tổ chức liên kết khu vực thành công, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng trong khu vực và quốc tế.
“Sự thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp các nước ASEAN nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng thông qua việc mở ra một sân chơi bình đẳng, một thị trường rộng lớn cho các doanh nghiệp”, ông Mẫn nói và lưu ý các doanh nghiệp phải đề ra những chiến lược kinh doanh phù hợp, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời gia tăng quan hệ hợp tác, kết nối với các đối tác trong khu vực.
Khẳng định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước là luôn đồng hành, hỗ trợ, các doanh nghiệp hoạt động và phát triển, ông Trần Thanh Mẫn khuyến khích các doanh nhân, doanh nghiệp có tinh thần học hỏi dám nghĩ, dám làm, lao động sáng tạo, chất lượng và hiệu quả góp phần quan trọng vào sự phát triển của đơn vị và đất nước.
“Tôi mong các doanh nhân, doanh nghiệp không ngừng phấn đấu xây dựng những thương hiệu và nhãn hiệu hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ có uy tín và chất lượng, tạo ra hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy hợp tác và tình hữu nghị giữa các nước”, ông Trần Thanh Mẫn nói.