Đầu tuần này, thượng nghị sĩ Marco Rubio (bang Florida) đã đệ trình Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ dự luật có tiêu đề “Luật trừng phạt về biển Đông và biển Hoa Đông 2016”.
Dự luật sẽ trừng phạt các đối tượng như sau:
• Các cá nhân và tổ chức Trung Quốc (TQ) tham gia các hoạt động trái phép của TQ ở biển Đông và biển Hoa Đông (như cấm nhập cảnh).
• Các tổ chức ngoài TQ hợp tác với các cá nhân và tổ chức bị trừng phạt để thu lợi từ hoạt động trái phép của TQ nêu trên.
• Các quốc gia thừa nhận chủ quyền trái phép của TQ ở biển Đông và biển Hoa Đông sẽ bị cắt viện trợ nước ngoài của Mỹ.
Dự luật sẽ quy định một số điều khoản gia tăng trừng phạt xem như lằn ranh đỏ không được thay đổi nguyên trạng, ví dụ như khi TQ tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông hoặc tiến hành bồi đắp xây dựng mới như trên bãi cạn Scarborough.
Giải thích lý do trình dự luật, thượng nghị sĩ Marco Rubio cho biết: “Các hoạt động gây hấn của TQ trên biển Đông là trái phép, đe dọa an ninh khu vực và thương mại của Mỹ, với những ảnh hưởng có thể tác động đến Mỹ bao gồm các cảng ở Florida và hoạt động hàng hải và hàng hóa của bang”.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio. Ảnh: AP
Ông lưu ý: “Không thể để các hành động vi phạm hiển nhiên các nguyên tắc quốc tế của Bắc Kinh trong yêu sách thống trị ở biển Đông và biển Hoa Đông đe dọa an ninh của các đồng minh của Mỹ trong khu vực và các phương tiện sống còn kinh tế của chúng ta”.
Tạp chí The Diplomat (Nhật) ngày 8-12 nhận định dự luật của thượng nghị sĩ Marco Rubio đã đưa ra nhiều thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ.
Quan trọng hơn, dự luật sẽ làm thay đổi quan điểm lâu dài của Mỹ về đánh giá chủ quyền lãnh thổ trong tranh chấp biển.
Ví dụ như Mỹ đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông.
Để khẳng định quan điểm này, Mỹ đã tiến hành các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải và mở rộng hợp tác với một số nước Đông Nam Á.
Điều thú vị là mặc nhiên dự luật của thượng nghị sĩ Marco Rubio đã biến các biện pháp trừng phạt TQ thành công cụ thực hiện phán quyết trọng tài ngày 12-7 của Tòa Trọng tài La Haye.
Ngoài ra, dự luật cũng là động thái thay đổi chiến thuật quan trọng của Mỹ khi tiếp cận vấn đề biển Đông.
Tạp chí The Diplomat đánh giá nếu dự luật được thông qua, trước tiên quan hệ hợp tác Mỹ-Trung sẽ bị ảnh hưởng.
TQ xem chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là “lợi ích cốt lõi”. Do đó, hành động Mỹ đơn phương trừng phạt có thể thổi bùng ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa ở TQ.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio không phải là nghị sĩ đầu tiên đề nghị một dự luật như thế.
Hồi đầu năm, nghị sĩ Hạ viện Mike Pompeo (mới được Tổng thống đắc cử Donald Trump chọn giữ chức giám đốc CIA) đã đề nghị một dự luật công nhận phán quyết trọng tài ngày 12-7 mang tính chất ràng buộc và phản đối hoạt động của TQ ở biển Đông và biển Hoa Đông.
Ngày 8-12, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tuyên bố chắc chắn Philippines không thể cho phép quân đội Mỹ sử dụng Philippines làm bàn đạp tuần tra tự do hàng hải ở biển Đông. Ông giải thích lý do vì Tổng thống Duterte không cho phép, nhằm tránh mọi hành động khiêu khích có thể làm gia tăng căng thẳng ở biển Đông. Ông nói tàu và máy bay Mỹ muốn tuần tra ở biển Đông có thể sử dụng các căn cứ ở đảo Guam, Okinawa hay tàu sân bay. _________________________________ Các hoạt động không chính đáng của Bắc Kinh ở biển Đông và biển Hoa Đông phải dừng lại… Phù hợp với luật pháp quốc tế, TQ không được phép xen vào bằng bất cứ cách nào việc tàu thuyền và máy bay dân sự và quân sự của các nước tự do sử dụng vùng biển và vùng trời ở biển Đông và biển Hoa Đông. Thượng nghị sĩ MARCO RUBIO |