Ngày 28-5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận, góp ý vào dự luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. ĐB Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM) đề nghị luật này cần phải quy định chặt chẽ hơn, không được sơ hở để tránh các thế lực nước ngoài lợi dụng, khai thác. “Chúng ta không được bỏ mất sự bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên một số cấu trúc, vật chất ở ngoài biển, trong lãnh hải, trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế” - ông Nghĩa nói.
ĐB Trương Trọng Nghĩa cho hay theo Công ước Luật Biển của Liên Hiệp Quốc, có ba cấu trúc rất đáng lưu tâm gồm: đảo và các quần đảo; các bãi đá và bãi cạn nửa chìm nửa nổi. Theo Điều 121 Công ước Luật Biển, các bãi đá không thích hợp cho con người đến ở hoặc có đời sống kinh tế riêng nên nó không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa bao quanh. Nhưng nếu các bãi đá này thuộc chủ quyền của một quốc gia thì nước đó được công nhận có lãnh hải 12 hải lý xung quanh bãi đá.
Còn theo Điều 13 Công ước Luật Biển, đặc trưng của bãi cạn nửa chìm nửa nổi là lúc nước lớn thì bị lấp, lúc nước ròng thì nó nổi lên.
ĐB Trương Trọng Nghĩa góp ý: Các luật liên quan về biển, đảo phải hết sức chặt chẽ. Ảnh: TTXVN
“Hiện nay âm mưu của Trung Quốc là nâng cấp những cấu trúc bãi cạn nửa chìm nửa nổi này để khi nước lớn thì nó vẫn nổi. Bởi vì bãi đá nửa chìm nửa nổi không có lãnh hải 12 hải lý đi kèm nhưng nếu xây dựng đến mức nước lớn nó vẫn nổi thì nó biến thành bãi đá và khi thành bãi đá nó có 12 hải lý lãnh hải xung quanh. Luật Biển Việt Nam không nhắc đến vấn đề này thì bây giờ trong luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo chúng ta càng phải nhắc” - ĐB Trương Trọng Nghĩa phân tích.
Cùng quan điểm với ĐB Trương Trọng Nghĩa, ĐB Lê Việt Trường (An Giang) ý kiến: “Hiện nay ở khu vực Trường Sa, ngoài phần đảo nổi chúng ta còn có rất nhiều khu vực là các bãi nửa chìm nửa nổi, đảo ngầm, bãi đá, san hô... Tôi cho rằng việc chúng ta quy định các bãi đá, bãi san hô, bãi cạn nửa chìm nửa nổi vào trong luật này thì hoàn toàn phù hợp và không có mâu thuẫn gì đối với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. Phải quy định như thế thì chúng ta mới có cơ sở để đấu tranh”.
Cũng theo ông Trường, Trung Quốc đang đổ hàng vạn mét khối bê tông, sắt thép xuống dưới biển. Chúng ta hoàn toàn có thể lên án với cộng đồng quốc tế rằng họ đang làm biến dạng môi trường biển đảo, làm ảnh hưởng đến các tài nguyên ở đây.
Chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa-Trường Sa là bất di bất dịch Bên hành lang QH, khi nói về vấn đề liên quan đến biển Đông, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh (nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) cho rằng: Chính phủ và QH phải có phương án để đấu tranh, dựa vào luật pháp quốc tế. “Đối với Hoàng Sa-Trường Sa thì Việt Nam đã từ lâu tuyên bố chủ quyền rồi. Chúng ta tuyên bố chủ quyền trước, sau đó họ mới đánh chiếm. Chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa-Trường Sa là bất di bất dịch” - Thượng tướng Rinh khẳng định. |