Theo Công an TP.HCM, việc khám xét các chi nhánh của Công ty CP Kinh doanh F88 (Công ty F88) để phục vụ công tác điều tra các hoạt động cho vay và cưỡng đoạt tài sản.
Công an TP.HCM cũng phối hợp với Bộ Công an, Công an quận Gò Vấp ập vào trụ sở chính của chi nhánh Công ty F88 trên địa bàn quận Gò Vấp. Ảnh: B.NGỌC |
Đồng loạt khám xét nhiều chi nhánh F88
Đến cuối giờ chiều 6-3, Công an TP.HCM vẫn đang phối hợp với Công an quận Gò Vấp và Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội - Bộ Công an phong tỏa tòa nhà trên đường Nguyễn Oanh (phường 17, quận Gò Vấp) là trụ sở chi nhánh Công ty F88 để khám xét.
Toàn bộ chi nhánh của công ty này ở nhiều nơi tại TP.HCM cũng bị công an kiểm tra, khám xét.
Cụ thể như tại chi nhánh của Công ty F88 trên đường Trần Quang Khải, quận 1; chi nhánh trên đường Đỗ Xuân Hợp, TP Thủ Đức; chi nhánh trên đường Nguyễn Văn Quá, quận 12; chi nhánh trên đường Lê Trọng Tấn, quận Tân Phú...
Một nguồn tin cho hay toàn bộ chi nhánh của Công ty F88 trên địa bàn TP.HCM đều bị kiểm tra, khám xét để phục vụ công tác điều tra.
Công an phong tỏa khu vực đoạn trước chi nhánh Công ty F88 trên đường Trần Quang Khải, quận 1. Ảnh: NT |
Theo tìm hiểu, Công ty F88 có trên 80 chi nhánh và phòng giao dịch đặt tại 23 quận, huyện của TP.HCM.
Các chi nhánh này chủ yếu tập trung tại các quận, huyện lớn như TP Thủ Đức, các quận Tân Bình, Bình Tân, Bình Thạnh... với trung bình 5-7 địa điểm. Doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực tài chính cho vay, cầm đồ...
Từng có chi nhánh bị xử lý vì vi phạm
Hồi đầu tháng 3, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính nhiều điểm kinh doanh cầm đồ của chi nhánh Công ty F88.
Lý do lập biên bản vi phạm hành chính vì các điểm kinh doanh này đã vi phạm liên quan đến lĩnh vực quản lý hành chính về trật tự xã hội như lập sổ quản lý, lưu trữ số liệu, tình hình hoạt động kinh doanh…
Công ty F88 có trên 80 chi nhánh và phòng giao dịch đặt tại 23 quận, huyện của TP.HCM.
Công an tỉnh Thanh Hóa chỉ rõ quá trình làm thủ tục đăng ký cho người có nhu cầu thế chấp tài sản vay tín dụng, các cơ sở này yêu cầu khách hàng nộp thêm nhiều khoản phí.
Cụ thể, các khoản phí như phí thẩm định điều kiện cho vay (1,4%/tháng), phí quản lý tài sản cầm cố (dao động 2%-3%/tháng nếu để tài sản tại nơi cầm cố, 5%/tháng đối với người có nhu cầu mượn lại tài sản), phí đăng ký dịch vụ bảo hiểm kèm theo…
Bằng cách đặt ra các khoản thu để tính phí như vậy, tổng số tiền phí và lãi mà khách hàng có nhu cầu vay tín dụng phải trả rất cao.
Mặt khác, mặc dù có tính phí quản lý tài sản cầm cố nhưng các điểm kinh doanh cầm đồ của Công ty F88 trên địa bàn TP Thanh Hóa lại không thực hiện trách nhiệm lưu giữ tài sản cầm cố tại kho bãi bảo quản đã đăng ký với cơ quan công an.
Ngoài ra, Công ty F88 xây dựng các điều khoản cho khách hàng thuê, mượn lại (có tính phí) đối với chính tài sản đã cầm cố. Đối với các khách hàng trả tiền gốc sớm so với thời hạn trong hợp đồng thì các cơ sở đã tính phí rất cao.
Sau đó, các điểm kinh doanh số 1, 4, 7, 10, 15, 26 của chi nhánh Công ty F88 tại Thanh Hóa bị phạt hành chính với mức phạt 15-18 triệu đồng, tổng số tiền phạt là 108 triệu đồng.•
Hơn 3 triệu nạn nhân của đòi nợ kiểu khủng bố
Gần đây, Bộ Công an, Công an TP.HCM và các tỉnh, thành liên tục triệt phá các tổ chức tội phạm hoạt động núp bóng công ty tư vấn luật, có quan hệ hợp tác với một số tổ chức ngân hàng, công ty tài chính dưới danh nghĩa hợp đồng trợ giúp pháp lý nhưng thu hồi nợ theo kiểu khủng bố xã hội đen.
Cụ thể, ngày 14-2, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động hơn 120 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự và Công an TP.HCM khám xét khẩn cấp trụ sở của Công ty Luật TNHH Pháp Việt tại tòa nhà T&T Dancesport, đường Lê Văn Huân, phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM.
Công an triệu tập làm việc 133 người có liên quan, phát hiện có nhiều dữ liệu điện tử, tin nhắn có nội dung liên quan đến việc đòi nợ kiểu khủng bố và cưỡng đoạt tài sản.
Trước đó, hồi tháng 11 và 12-2022, Công an TP.HCM cũng triệt phá ổ nhóm núp bóng Công ty Luật TNHH Power Law, Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset. Nhiều người bị khởi tố, tạm giữ để điều tra.
Theo công an, phương thức hoạt động của các nhóm này dưới vỏ bọc công ty kinh doanh tài chính, văn phòng luật sư...
Các công ty này được xác định tuyển dụng hàng trăm nhân viên để đòi nợ theo hợp đồng đã ký với các đối tác bằng các thủ đoạn liên tục gọi điện thoại, nhắn tin quấy rối, khủng bố... trên không gian mạng. Không chỉ người vay tiền mà người thân, bạn bè và đồng nghiệp của họ cũng bị cắt ghép ảnh với nội dung xấu, sai sự thật đăng lên bêu riếu.
Hơn 3 triệu người trên khắp cả nước được xác định đã trở thành nạn nhân của việc đòi nợ kiểu khủng bố này.