Trong nhiều năm qua, ba quốc gia thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Hy Lạp, Bulgaria, Slovakia không gặp rắc rối gì khi sử dụng hệ thống phòng không của Nga, song vụ mua bán S-400 giữa Thổ Nhĩ Kỳ lại có số phận đặc biệt.
Mỹ liên tục đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ vì thương vụ này. Trong một động thái đáp trả, Mỹ tuyên bố ngừng chương trình hợp tác và cung cấp máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ, cảnh báo thương vụ S-400 sẽ gây nguy hiểm cho quan hệ với Mỹ và NATO.
Hệ thống phòng không S-300 của Nga. Ảnh: AP
Sau đó, một số cơ quan truyền thông nhanh chóng giải thích nền công nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổn hại ra sao nếu S-400 được đặt trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Một số cảnh báo việc một nền quân đội vừa có máy bay F-35 vừa có hệ thống S-400 sẽ gây nguy hiểm cho các lợi thế quan trọng của F-35.
RT dẫn nhận định của giới chuyên gia cho rằng, những ồn ào này là do những toan tính riêng của Mỹ và một số thành viên khối NATO.
Igor Korotchenko, chuyên gia quân sự của tạp chí National Defense cho hay Mỹ đang dần đánh mất vị thế hàng đầu và Nga đang từng bước thay thế.
"Viễn cảnh một quốc gia NATO mua vũ khí từ Nga làm tổn hại tới danh tiếng của Mỹ và gây tổn thất cho ngành công nghiệp quốc phòng của Washington", ông Korotchenko nhận định.
Ông Korotchenko giải thích hệ thống S-400 gây nguy hiểm cho các máy bay của NATO bởi hệ thống này có thể phát hiện và “làm thịt” các chiến đấu cơ hiện đại như F-35 và F-22.
Trong khi đó, với phiên bản S-300 lại khác, Mỹ nắm được rõ thông tin về hệ thống phòng không này vì có trong tay hai biến thể S-300P và S-300V mua lại từ Belarus và Ukraine. Ngoài ra, ba quốc gia thành viên NATO nói trên cũng đang vận hành hệ thống S-300, vì vậy có thể nói, Mỹ và NATO đã không lạ gì với hệ thống S-300. Nhưng Washington lại không nắm được thông tin gì về S-400.
Hy Lạp đã triển khai hệ thống S-300 trên đảo Cyprus, mắt xích quan trọng trong chiến lược quốc phòng của nước này. Bulgaria và Slovakia thì thường xuyên sử dụng hệ thống S-300 - được thiết kế khi ở giai đoạn cao trào của Chiến tranh Lạnh - trong các cuộc tập trận bắn đạn thật của NATO.
Vậy, tại sao Thổ Nhĩ Kỳ, vốn gia nhập NATO năm 1952 ngang hàng với Hy Lạp lại chịu sức ép mạnh trong khi ba nước kia thì không?
"Hy Lạp và các thành viên khác của NATO đã mua vũ khí phòng không của Nga từ trước năm 2014, tức là trước khi căng thẳng giữa Mỹ và Nga bắt đầu gia tăng", chuyên gia quân sự Nga Mikhail Khodarenok giải thích.
Theo ông Khodarenok, việc mù mờ về S-400 là điều đáng lo ngại với Mỹ bởi nắm được thông tin chi tiết về vũ khí của đối thủ nhiều khi cũng không có quá nhiều tác dụng trên chiến trường chứ chưa nói đến việc hoàn toàn mờ tịt về vũ khí đó.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định thương vụ mua S-400 của Nga đã hoàn tất và có thể được giao tới Thổ Nhĩ Kỳ sớm hơn so với kế hoạch là vào tháng 7 này.
Hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ảnh: Hurriyet Daily News
Với việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm theo đuổi hệ thống phòng không S-400 từ Nga, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino ngày 11-4 đã liệt kê hàng loạt nguy cơ Ankara sẽ đối mặt.
Ông Palladino nói: "Tôi cho rằng Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng đã nói việc mua S-400 sẽ tạo ra những rủi ro. Chúng tôi cũng đã nói chuyện với Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề này thường xuyên. Thứ nhất, việc Thổ Nhĩ Kỳ mập mờ quyết định sắp tiếp nhận hệ thống S-400 sẽ ảnh hưởng ngay lập tức tới chương trình chuyển giao và các hoạt động liên quan tới khả năng hoạt động của máy bay chiến đấu F-35, Thổ Nhĩ Kỳ phải dừng lại ngay".
"Thứ hai, chúng tôi đã cảnh báo rõ ràng tới Thổ Nhĩ Kỳ về việc thương vụ mua hệ thống S-400 có thể sẽ dẫn tới hậu quả đánh giá lại chương trình F-35. Thứ ba, chúng tôi cũng thường xuyên nói rằng việc mua S-400 sẽ làm tăng nguy cơ khiến Mỹ đưa ra hành động với Thổ Nhĩ Kỳ chiếu theo Đạo luật chống lại các đối thủ của Mỹ thông qua lệnh trừng phạt (CAATSA). Cuối cùng, chúng tôi đang xem xét khả năng nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận S-400, họ sẽ không có hệ thống phòng không Patriot. Đây là những rủi ro đối với Thổ Nhĩ Kỳ mà chúng tôi đã thảo luận trong thời gian dài và sẽ tiếp tục thảo luận", ông Palladino kết luận.