Lý giải sức hút BRICS trước làn sóng gia nhập

(PLO)- Việc ngày càng nhiều quốc gia bày tỏ sự mong muốn gia nhập BRICS cho thấy tầm quan trọng của khối này trên trường quốc tế.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) đang nhận được sự quan tâm đáng kể từ nhiều quốc gia trên thế giới. Gần đây, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Malaysia đều bày tỏ mong muốn trở thành thành viên của BRICS. Hôm 9-6, Đại sứ Nga tại Trung Quốc Igor Morgulov cho hay có khoảng 30 quốc gia bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS.

Không ngừng mở rộng

BRICS được thành lập vào năm 2009 với bốn thành viên ban đầu là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Sau đó, vào năm 2010 Nam Phi gia nhập, đánh dấu sự mở rộng đầu tiên của khối. Hơn một thập niên sau, năm quốc gia gồm Iran, Saudi Arabia, Ai Cập, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) chính thức trở thành thành viên của BRICS kể từ ngày 1-1-2024.

BRICS hiện chiếm gần 46% dân số thế giới (riêng Trung Quốc và Ấn Độ chiếm 86% dân số của BRICS), 36% GDP toàn cầu (trong đó riêng Trung Quốc chiếm 65% GDP của BRICS) và 25% thương mại thế giới, tính theo xuất khẩu.

Nhiều nước muốn gia nhập BRICS.jpeg
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trực tuyến tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nam Phi hồi năm 2023. Ảnh: TASS

Năm nay, Nga giữ chức chủ tịch luân phiên của BRICS. Ngày 18-6, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nêu tiêu chí quan trọng để được gia nhập BRICS và chào đón các quốc gia đối tác là quốc gia đó không nên tham gia các lệnh trừng phạt đơn phương mà Nga cho là bất hợp pháp lên Moscow.

Thứ trưởng Nga cho biết Moscow hy vọng lập trường như vậy sẽ duy trì được "bản chất cốt lõi" của BRICS khi nhóm này phát triển trong tương lai. “Việc BRICS sẽ phát triển và mở rộng là sự thật không thể chối cãi” - ông Ryabkov, đồng thời cho biết thêm rằng 10 thành viên hiện tại của nhóm đã “điều chỉnh” cho nhau và hiện đang làm việc tốt "với tư cách là một đội".

Việc BRICS đầu năm nay kết nạp thêm nhiều quốc gia thành viên mới lần đầu tiên sau hơn một thập niên chứng tỏ sức hấp dẫn ngày càng tăng của khối này và cho thấy BRICS đang thu hút sự quan tâm ngày càng nhiều của các nước trên thế giới.

Hồi cuối tuần rồi, trả lời phỏng vấn trang tin Guancha của Trung Quốc, Thủ tướng Malaysia - ông Anwar Ibrahim nói rằng nước này sẽ sớm bắt đầu nộp các thủ tục giấy tờ chính thức để đăng ký làm thành viên BRICS.

Trước đó, vào đầu tháng 6 Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cũng cho biết Ankara mong muốn gia nhập BRICS. Đáp lại, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov nói rằng Nga hoan nghênh động thái của Thổ Nhĩ Kỳ và điều này sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm sắp tới, theo hãng thông tấn TASS.

Cuối tháng 5, người phát ngôn chính phủ Thái Lan Chai Wacharonke cho biết nội các nước này đã thông qua đề xuất gia nhập BRICS, theo tờ Bangkok Post. Ông Chai cho biết đề xuất nêu rõ rằng “Thái Lan nhận thức được tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương và vai trò ngày càng tăng của các nước đang phát triển trên trường quốc tế”.

“Việc trở thành thành viên của BRICS sẽ mang lại lợi ích cho Thái Lan về nhiều mặt, bao gồm nâng cao vai trò của nước này trên trường quốc tế và tăng cơ hội cùng tạo ra một trật tự thế giới mới” - theo đề xuất.

Ông Chai cho hay hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 vào tháng 10 tới tại Kazan (Nga) “sẽ là cơ hội để Thái Lan đẩy nhanh quá trình trở thành thành viên và nâng cao vai trò là nước dẫn đầu trong số các nước đang phát triển".

Bộ Ngoại giao Thái Lan ngày 13-6 cho biết Ngoại trưởng Maris Sangiampongsa đã trao một lá thư cho người đồng cấp Nga Sergey Lavrov về ý định nước này trở thành thành viên chính thức của BRICS.

Sức hấp dẫn của BRICS

GS Vương Cần của ĐH Hạ Môn (Trung Quốc) nhận định trật tự kinh tế quốc tế đang trong giai đoạn hỗn loạn và các cơ cấu quản trị toàn cầu hiện tại đang gặp khó khăn để hoạt động hiệu quả như trước. Do đó, BRICS với tư cách là một tập hợp các quốc gia mới nổi, có thể đóng “một vai trò nhất định” trong việc thúc đẩy cải cách và điều chỉnh các quy định, theo tờ South China Morning Post.

Trong khi đó, ông Vương Hữu Minh - Giám đốc tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc - cho rằng tinh thần cởi mở, toàn diện, dựa trên sự hợp tác cùng có lợi đã giúp BRICS phát triển mạnh mẽ hơn, qua đó ngày càng tăng sức hút và sức hấp dẫn. Đây là lý do tại sao ngày càng có nhiều quốc gia hy vọng gia nhập BRICS, theo tờ Global Times.

Nga đảm nhiệm chức chủ tịch BRICS.jpeg
Năm nay, 2024, Nga giữ chức chủ tịch luân phiên của BRICS. Ảnh: X

Ông Soumya Bhowmick - thành viên tại Quỹ Nghiên cứu các Nhà Quan sát (Ấn Độ) - nói rằng cộng đồng quốc tế ngày càng chú ý hơn đối với sự mở rộng của BRICS. “Việc mở rộng hứa hẹn tăng cường hợp tác kinh tế, gia tăng ảnh hưởng địa chính trị, quan điểm đa dạng và đổi mới tính năng động trong khuôn khổ BRICS. Điều này tạo ra các cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực như thương mại và an ninh, nhưng nó cũng đặt ra những thách thức trong việc điều chỉnh các lợi ích đa dạng” - theo ông Bhowmick.

Còn theo ông John Gong - Phó Chủ tịch Nghiên cứu và Chiến lược tại ĐH Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế (Israel), lý do nhiều quốc gia mong muốn gia nhập BRICS xuất phát từ khát vọng tạo ra một hệ thống thế giới mới. Nói cách khác, hệ thống thế giới hiện hành là không bình đẳng, không cân bằng và chắc chắn là không mang tính đại diện.

Ông John Gong cũng cho rằng sự trỗi dậy của BRICS và sự mở rộng của khối báo hiệu một kỷ nguyên mới sắp tới, trong đó tình trạng đơn cực không còn tồn tại nữa. Nỗ lực mở rộng của BRICS nhằm tái cơ cấu kiến ​​trúc chính trị, kinh tế và tài chính toàn cầu dựa trên các trụ cột của chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế.

Về việc Thái Lan muốn gia nhập BRICS, theo các chuyên gia Trung Quốc nhận định điều này có thể tạo tiền lệ để nhiều quốc gia đồng minh không thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Mỹ tham gia vào khối.

GS Vương Y Vĩ tại ĐH Nhân dân (Trung Quốc) cho rằng việc Thái Lan muốn trở thành thành viên BRICS phản ánh “hiện tượng dựa vào Mỹ để đảm bảo an ninh và dựa vào Trung Quốc để đảm bảo nền kinh tế”. “Các đồng minh của Mỹ không thuộc khối NATO tham gia BRICS có thể trở thành xu hướng trong tương lai chứ không chỉ những trường hợp cá biệt” - ông Vương nói, cho biết thêm rằng ngay cả các nước thành viên NATO như Thổ Nhĩ Kỳ cũng tỏ ra quan tâm việc gia nhập khối.

Ngày 9-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định, là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, triển khai đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, độc lập tự chủ, Việt Nam sẵn sàng tham gia và đóng góp tích cực vào các cơ chế, tổ chức, diễn đàn đa phương toàn cầu cũng như khu vực.

“Cũng như nhiều nước trên thế giới, chúng tôi quan tâm theo dõi tiến trình mở rộng thành viên của BRICS” - bà Phạm Thu Hằng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm