Mở rộng BRICS: Vừa mừng vừa lo

(PLO)- Việc BRICS kết nạp thêm sáu thành viên mang đến một số đóng góp tích cực cho nền kinh tế thế giới, song lại có nguy cơ làm sâu sắc thêm tình trạng chia rẽ toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 24-8, lãnh đạo năm nước Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) đồng ý mở rộng nhóm này từ ngày 1-1, với sáu thành viên mới là Argentina, Iran, Saudi Arabia, Ai Cập, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

Theo các nhà phân tích, việc mở rộng mang lại những lợi ích như tập hợp những nhà sản xuất năng lượng và các nước có thị trường tiêu dùng lớn có thể mang lại cho khối này sức mạnh kinh tế, tài chính vượt trội. Về ngoại giao, các nước như Saudi Arabia, Ai Cập... sẽ đa dạng hóa quan hệ của mình, qua đó phá vỡ thế độc quyền của Mỹ.

Tuy nhiên, việc BRICS mở rộng cũng gây nhiều băn khoăn và quan ngại về nguy cơ gia tăng căng thẳng với phương Tây vì trong các thành viên mới có Iran.Ngoài ra, các nước có trình độ phát triển khác nhau, khó gắn kết.

Bổ sung tích cực cho kinh tế thế giới

Việc bao gồm Saudi Arabia - nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới cùng với Nga, Iran, UAE và Brazil biến khối BRICS trở thành một tập hợp các nhà sản xuất năng lượng hàng đầu thế giới với những thị trường tiêu thụ năng lượng lớn nhất nhóm các nước đang phát triển. Theo tạp chí Time, chính điều này đã mang lại cho khối sức mạnh kinh tế vượt trội.

Chủ tịch TQ Tập Cận Bình mô tả việc mở rộng BRICS là một sự kiện lịch sử và là điểm khởi đầu mới cho sự hợp tác giữa các quốc gia đang phát triển, trong khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết New Delhi sẽ làm việc với các thành viên mong muốn gia nhập nhóm.

Bên cạnh đó, với việc hầu hết giao dịch năng lượng trên thế giới đều dựa trên đồng USD, việc mở rộng khối BRICS cũng giúp thúc đẩy giao dịch nhiều hơn thông qua các loại tiền tệ thay thế.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay, các lãnh đạo khối cũng đã nhất trí về sự cần thiết trong việc cải tổ cấu trúc tài chính toàn cầu và các thể chế quan trọng để làm cho thế giới trở nên công bằng, toàn diện và mang tính đại diện hơn.

Theo hãng tin Bloomberg Economics, việc mở rộng BRICS cũng đồng nghĩa là liên minh này có nhiều tiếng nói hơn trong các vấn đề của thế giới và có thể tạo ra một loại hình kinh tế toàn cầu khác, có sự tham gia điều tiết và kiểm soát nhiều hơn của chính phủ.

Ông Charlie Robertson, Trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô tại Công ty đầu tư thị trường FIM Partners, nhận định điểm sáng của BRICS là phát triển Ngân hàng Phát triển mới (NDB), theo đó việc mở rộng BRICS có ý nghĩa hết sức quan trọng. “Ngân hàng này là một sự bổ sung đáng hoan nghênh cho cấu trúc tài chính toàn cầu” - ông Charlie Robertson nhấn mạnh.

Về ngoại giao, các nhà quan sát Trung Đông cho rằng mặc dù không muốn bị coi là thúc đẩy một liên minh chống phương Tây nhưng Saudi Arabia và UAE đã “tiến một bước” khỏi Washington bằng cách trở thành thành viên của BRICS.

Bà Kristin Diwan, chuyên gia tại Viện Các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư (Mỹ), nói rằng Saudi Arabia và UAE “mong muốn đa dạng hóa và tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu, độc lập với sự thống trị của Mỹ”. Chia sẻ với tờ This Week In Asia, bà Kristin Diwan nhận định hai quốc gia vùng Vịnh đang tìm kiếm một “sân chơi toàn cầu trung lập hơn, nơi các quốc gia có chủ quyền độc lập có thể lựa chọn quan hệ đối tác của mình” một cách thực tế và dựa trên những lợi ích cụ thể.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra từ ngày 22 đến 24-8 tại Nam Phi. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (ngoài cùng bên phải) thay mặt ông Putin tham dự hội nghị. Ảnh: CƠ QUAN BÁO CHÍ BỘ NGOẠI GIAO NGA

Hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra từ ngày 22 đến 24-8 tại Nam Phi. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (ngoài cùng bên phải) thay mặt ông Putin tham dự hội nghị. Ảnh: CƠ QUAN BÁO CHÍ BỘ NGOẠI GIAO NGA

Nhiều băn khoăn, chia rẽ

Dù mang lại một số lợi ích cho nền kinh tế toàn cầu, việc mở rộng BRICS cũng được nhận xét là “đáng lo ngại” vì rất có thể sẽ làm sâu sắc thêm căng thẳng của nhóm này với phương Tây. Theo tờ The New York Times, có thể nhìn thấy rất rõ rằng tham gia BRICS có tới ba thành viên đến từ Trung Đông, với Saudi Arabia là quốc gia không mấy hữu hảo với Washington, trong khi Iran vừa là nước chống Mỹ quyết liệt, vừa là nước ủng hộ chiến dịch quân sự đặc biệt do Nga phát động ở Ukraine.

Ngoài ra, trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh BRICS, nhiều bên cũng bày tỏ quan điểm về việc phá thế bá quyền của Mỹ trên chính trường thế giới.Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình cho rằng việc mở rộng thành viên của khối mang tính lịch sử, vì “nó thể hiện quyết tâm của các nước BRICS trong việc thống nhất và hợp tác vì một thế giới đang phát triển rộng lớn hơn”. Ngoài ra, dù nói rằng BRICS không cạnh tranh với bất kỳ ai, song Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng thừa nhận “quá trình hình thành trật tự thế giới mới này vẫn có những đối thủ gay gắt”.

Theo The New York Times, TQ đã nỗ lực tiến lên nhanh chóng, coi nhóm này là một nền tảng để thách thức sức mạnh của Mỹ. Một số nhà lãnh đạo trong khối đã phản đối, cảnh báo việc quay lại một trật tự toàn cầu chia rẽ, gợi nhớ đến thời kỳ Chiến tranh lạnh. Ông Jacob Funk Kirkegaard, chuyên gia tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, coi BRICS là “một sự sáng tạo được gắn kết với nhau bằng quan điểm chống phương Tây”, đặc biệt là hiện nay với sự tham gia của Iran.

Liên quan đến Iran, ông Cobus van Staden, nhà nghiên cứu tại dự án Nam Bán cầu của TQ, cho rằng việc kết nạp quốc gia này “rõ ràng là một lựa chọn phức tạp”. “Một số thành viên BRICS lo ngại rằng việc kết nạp Iran có thể làm gia tăng căng thẳng địa chính trị với các cường quốc phương Tây” - ông Cobus van Staden nói.

Bên cạnh đó việc nền kinh tế TQ đang trong tình trạng khó khăn, thị trường bất động sản gặp khủng hoảng, kinh tế giảm phát... có thể gây khó cho các quốc gia như Brazil và Nam Phi vốn phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa sang thị trường tỉ dân. Trong khi đó, nền kinh tế Nga đang đối mặt với áp lực nặng nề của các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Ở một diễn biến khác, ông Harsh V. Pant, Phó Chủ tịch Quỹ nghiên cứu quan sát viên có trụ sở tại Delhi và là giáo sư về quan hệ quốc tế tại Viện Ấn Độ thuộc ĐH Hoàng gia London (Anh), cho rằng dù có những quan ngại lớn song Ấn Độ vẫn ủng hộ việc mở rộng BRICS vì nước này không muốn đóng vai phản diện. Ông Harsh V. Pant nói thêm rằng New Delhi sẽ vẫn cảnh giác về “bản chất thay đổi của nền tảng này từ địa kinh tế sang địa chính trị.•

Mỹ không nao núng nhưng chuyên gia cảnh báo lo ngại

Ngày 25-8, Bộ Ngoại giao Mỹ đã không đề cập đến vấn đề Iran gia nhập nhóm, thay vào đó chỉ nhắc lại những nhận xét trước đó từ Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden “không coi BRICS đang biến thành một loại đối thủ địa chính trị nào đó đối với Washington hoặc bất kỳ ai khác”, theo tờ The New York Times.

Tuy vậy, một số nhà phân tích cho rằng việc hàng chục quốc gia bày tỏ quan tâm đến việc gia nhập BRICS sẽ là lời cảnh tỉnh đối với phương Tây.

“Sự nhiệt tình của nhiều nước đang phát triển tham gia BRICS không chỉ phản ánh sự hấp dẫn của quá trình toàn cầu hóa mang các giá trị mà TQ đề ra, mà còn phản ánh sự thất bại của các nước phương Tây trong việc xây dựng một trật tự quốc tế toàn diện hơn” - ông Neil Thomas, chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu TQ của Viện Chính sách xã hội châu Á, nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm