Những điểm bất đồng giữa Mỹ và Ukraine về chiến lược phản công

(PLO)- Các quan chức Mỹ và Ukraine tranh luận về chiến lược phản công, như về chiến thuật, cách bố trí lực lượng...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phía sau chiến tuyến, trong nhiều tuần liền, các quan chức Mỹ và Ukraine đã tranh luận căng thẳng về chiến lược và chiến thuật nhằm phục hồi đà phản công của Kiev vốn đang diễn ra chậm chạp, theo tờ The Wall Street Journal.

Mỹ mong Ukraine phản công tổng lực

Các quan chức quân sự Mỹ đã thúc giục Ukraine quay lại dùng chiến thuật tấn công kết hợp vũ trang như đã được huấn luyện ở phương Tây thay vì chỉ dùng sức mạnh pháo binh nã vào các cứ điểm Nga.

Nhiều tuần qua, Mỹ đã kêu gọi Ukraine tập trung lực lượng ở khu vực phía bắc TP Tokmak, thuộc tỉnh Zaporizhia ở miền nam Ukraine, để chọc thủng tuyến phòng thủ đầu tiên của Nga, vốn được coi là tuyến khó phá vỡ nhất, và sau đó tiến tới biển Azov.

Lính Ukraine bắn tên lửa về phía mục tiêu Nga ở tiền tuyến tại tỉnh Zaporizhia. Ảnh: REUTERS

Lính Ukraine bắn tên lửa về phía mục tiêu Nga ở tiền tuyến tại tỉnh Zaporizhia. Ảnh: REUTERS

Mỹ muốn Ukraine dồn lực phản công nhanh gọn dựa trên tính toán rằng viện trợ quân sự của Washington cho Kiev, tính đến nay đã hơn 43 tỉ USD, là đủ cho chiến dịch phản công và khó có thể có một nỗ lực mạnh như vậy trong năm 2024.

Hiện các quan chức Mỹ đánh giá rằng vẫn chưa quá muộn để Ukraine đạt được những bước tiến, và các chỉ huy Ukraine cũng nói rằng thời gian dành cho chiến dịch phản công vẫn còn.

Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine - ông Valerii Zaluzhnyi từng nói với các quan chức Mỹ rằng lực lượng Ukraine đang trên đà đột phá.

Chia rẽ chiến lược giữa Mỹ - Ukraine

Một quan chức Mỹ đề nghị giấu tên nói rằng Washington đã bày tỏ “sự thất vọng nặng nề” với chiến lược của Ukraine, đặc biệt là việc Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky cho quân tập trung vào TP Bakhmut, thuộc tỉnh Donetsk.

Lý do Kiev muốn tập trung vào Bakhmut là vì một số quan chức Ukraine coi đây là chiến trường để củng cố sức mạnh về mặt tinh thần và tạo được vùng đệm ở phía đông Ukraine.

Sau khi các quan chức Mỹ cảnh báo rằng Ukraine không nên phân tán lực lượng như vậy, Ukraine đã điều chỉnh chiến lược và chuyển sang thế phòng thủ ở phần phía đông của Zaporizhia. Sự thay đổi này đã cho phép Ukraine bảo toàn lực lượng cho chiến dịch phản công chính ở nơi khác và hạn chế lãng phí hỏa lực pháo binh.

Một tình nguyện viên Mỹ tự gọi mình tên là Jackie huấn luyện lính Ukraine ở tỉnh Kiev. Ảnh: AP

Một tình nguyện viên Mỹ tự gọi mình tên là Jackie huấn luyện lính Ukraine ở tỉnh Kiev. Ảnh: AP

Tuy vậy, các quan chức Mỹ cho rằng lực lượng Ukraine vẫn còn quá mỏng để có thể tập trung tiến về phía nam vì nhiều lữ đoàn vẫn còn đang được triển khai ở phía đông.

Hiện tại Ukraine vẫn chưa kết hợp được các đơn vị bộ binh, pháo binh, các đơn vị cơ giới và lực lượng rà phá bom mìn để tiến công.

Ukraine cho rằng chiến thuật liên tục dội pháo binh vào lực lượng Nga mà quân nước này đang thực hiện ở thời điểm hiện tại là cần thiết để vừa hạn chế thương vong bên phía mình, duy trì sức mạnh chiến đấu lâu dài, vừa làm quân Nga tiêu hao lực lượng.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho rằng các cuộc tấn công của nhỏ lẻ như vậy của Ukraine trên các mặt trận làm chậm đà phản công và tạo cho Nga nhiều cơ hội đáp trả, bao gồm việc rải thêm nhiều bom mìn.

Một trọng tâm nữa của cuộc tranh luận giữa Washington và Kiev là chương trình huấn luyện tấn công vũ trang phối hợp do Mỹ và phương Tây hướng dẫn cho lực lượng Ukraine chuẩn bị phản công.

Phương Tây huấn luyện phối hợp các cánh quân bộ binh, cơ giới, pháo binh nhằm giúp lực lượng Ukraine vượt qua phòng tuyến Nga.

Thực tế, Ukraine thiếu lực lượng không quân mạnh có thể yểm trợ các cánh quân trên mặt đất. Ukraine chỉ có một lực lượng không quân nhỏ. Thêm nữa, việc chuyển giao chiến đấu cơ F-16 do Mỹ sản xuất sẽ không diễn ra như dự kiến, ít nhất là cho đến giữa hoặc cuối năm 2024.

Vẫn có một số quan chức Mỹ tin rằng Ukraine sẽ thành công dù thiếu lực lượng trên không. Tuy nhiên theo Bộ trưởng Lục quân Mỹ Christine Wormuth gần đây, đặt trường hợp là lực lượng Mỹ thì đây là kiểu chiến đấu đầy thách thức khi không có ưu thế trên không và đối phương có thời gian chuẩn bị phòng thủ.

“Lực lượng của chúng tôi có nhiều năm để luyện tập điều này nhưng lực lượng Ukraine chỉ có vài tuần để thuần thục” - bà Wormuth nói.

Tướng Không quân Mỹ đã nghỉ hưu và là cựu Tư lệnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - ông Philip Breedlove cùng ý kiến.

“Khi lực lượng Mỹ xung trận với chiến thuật phối hợp vũ trang, chúng ta sẽ có lực lượng trên không mạnh để yểm trợ, còn Ukraine thì không. Chúng ta cũng chưa cung cấp cho Ukraine pháo binh chính xác tầm xa. Vì vậy, khi có nhiều người cho rằng Ukraine đang thất bại khi dùng lối đánh phối hợp vũ trang thì ta phải hiểu bản chất đằng sau đó” - Tướng về hưu Breedlove nhận định.

Tình hình hiện tại làm dấy lên lo ngại rằng cuộc chiến của Ukraine có thể đi vào bế tắc nhưng Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm 22-8 đã phủ nhận điều này..

“Không, chúng tôi không cho rằng cuộc xung đột đang đi vào bế tắc. Chiến trường đang thay đổi mỗi ngày” - ông Sullivan nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm