Cuối năm nay, Lý Sơn - huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc (ở Quảng Ngãi) sẽ được lưới điện quốc gia thắp sáng. Cùng với nguồn năng lượng quan trọng này, Lý Sơn đang cần một cơ chế đặc biệt để phát huy hết lợi thế, tiềm năng của mình. Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với ông Lê Viết Chữ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi (ảnh), xoay quanh vấn đề này.
Ông Chữ nói: “Với một đảo tiền tiêu như Lý Sơn thì Nhà nước phải có một số cơ chế đặc thù để phát triển. Vì Lý Sơn không giống một vùng, một địa phương hay một đảo nào hết. Mặc dù là đảo nhưng hiện nay cơ chế dành cho Lý Sơn vẫn như trong đất liền. Rõ ràng điều đó là không phù hợp và cản trở sự phát triển của Lý Sơn”.
Cần dành cho Lý Sơn nhiều hơn
. Phóng viên: Vậy theo ông, cần cơ chế gì để phát triển Lý Sơn tương xứng với vị trí quan trọng đặc biệt của huyện đảo này?
. Ông có thể nói rõ hơn Quảng Ngãi sẽ xin trung ương cơ chế đặc thù gì cho Lý Sơn?
+ Nhà nước cần phải cho Lý Sơn một số cơ chế đặc thù cụ thể về tài chính, đầu tư hạ tầng, đất đai, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn… Ví như một số trục giao thông, công trình có tính chất quốc phòng, điện, nước, xử lý rác… thì Nhà nước phải đầu tư 100% vốn. Về cơ chế tín dụng thì khi một doanh nghiệp muốn đầu tư khách sạn, nhà hàng, cơ sở chế biến hải sản. ở Lý Sơn thì Nhà nước nên khuyến khích họ bằng cách hỗ trợ lãi suất vay. Ví dụ, doanh nghiệp vay với lãi suất 7% thì Nhà nước có thể hỗ trợ cho họ một phần nào đó. Nhà nước cũng có thể cho nhà đầu tư được hưởng ưu đãi về chính sách đất đai và thời hạn thuê. Thuê đất ở ngoài Lý Sơn thì phải khác so với trong đất liền. Có như vậy thì nhà đầu tư sẽ ra với Lý Sơn để cùng với Nhà nước phát triển huyện đảo.
Khi có cơ chế đặc thù và nguồn điện năng thắp sáng Lý Sơn sẽ hút các nhà đầu tư để phát triển mạnh mẽ huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Trong ảnh: Một góc của huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: MINH HÀ
Đánh thức những tiềm năng
. Theo ông, cơ chế đặc thù này có đủ “kích thích” để các nhà đầu tư đến với Lý Sơn?
+ Chúng tôi hoàn toàn hy vọng vào điều này. Rất nhiều doanh nghiệp đang muốn ra Lý Sơn để đầu tư, bởi thị trường khai thác của Lý Sơn rất tiềm năng.
Nói tới biển đảo thì người dân nước mình thiết tha lắm. Chúng ta phải hiểu rằng 400 năm nay ngư dân Lý Sơn là người chủ ở Hoàng Sa. Lịch sử cũng đã chứng minh như vậy. Trong tâm thức của 90 triệu người dân Việt Nam mình thì Lý Sơn là nơi đang đứng ở tuyến đầu của Tổ quốc nên ai cũng muốn đóng góp sức mình cho Lý Sơn và cho Hoàng Sa. Chỉ vì hiện giờ cơ sở hạ tầng của huyện đảo còn yếu kém nên chưa có cơ hội để phát triển. Lâu nay Lý Sơn không phát triển được, chững lại chỉ vì không có điện. Nhưng đến cuối năm nay, Lý Sơn sẽ có điện lưới quốc gia thì đó sẽ là lợi thế rất quan trọng để các nhà đầu tư đến với Lý Sơn.
. Như ông nói thì cuối năm nay Quảng Ngãi sẽ tổ chức hội thảo ngay tại huyện đảo Lý Sơn để kêu gọi đầu tư. Vậy Lý Sơn sẽ ưu tiên đầu tư vào những lĩnh vực nào?
+ Trước tiên là Lý Sơn ưu tiên hiện đại hóa đội tàu, tổ chức lại sản xuất và phát triển một số dịch vụ hậu cần nghề cá để vươn khơi đánh bắt. Thứ hai là ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ biển. Bởi vì ngoài Lý Sơn có những di sản văn hóa mà trong đất liền không nơi nào có được. Ví dụ như Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, chùa đình… và cả du lịch biển. Hơn thế nữa, trong bối cảnh biển Đông như hiện nay và với tình cảm của người Việt Nam mình thì tôi nghĩ rằng mọi người dân đều muốn ra đảo Lý Sơn để tìm hiểu đảo tiền tiêu của Tổ quốc mình hiện như thế nào. Như vậy, nếu mình làm tốt cơ sở hạ tầng, các sản phẩm du lịch thì kinh tế biển và du lịch sẽ là mũi nhọn của Lý Sơn trong tương lai.
. Xin cảm ơn ông.
LÊ PHI thực hiện
Các nhà đầu tư sẵn sàng vào Lý Sơn Lý Sơn hiện đã có người dân đến tham quan, đã có thị trường cho du lịch và dịch vụ. Lý Sơn có 10 km2 nhưng cũng đã có trên 22.000 dân rồi. Có những điều này thì nhà đầu tư chắc chắn sẽ tới. Một số nhà đầu tư đã đặt điều kiện với tôi là làm sao đó tỉnh phải giải quyết đất đai, chính sách ưu đãi tín dụng cho họ để họ ra đầu tư vào Lý Sơn. Cụ thể, bây giờ Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh đang xin tỉnh cho phép đầu tư một khách sạn tại Lý Sơn. Theo tôi thì không chỉ có Mường Thanh mà các nhà đầu tư khác đều sẵn sàng đầu tư vào Lý Sơn khi Nhà nước có cơ chế đặc thù và đảo có điện. Đặc biệt, điều quan trọng nhất là mọi người dân Việt Nam ai cũng muốn một lần tới Lý Sơn. Đó là cái tâm của người Việt mình đối với Tổ quốc. Khi có nhà đầu tư thì chắc chắn Lý Sơn sẽ phát triển. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Viết Chữ |