Mặc cho cấm vận, Qatar vẫn ‘rất thoải mái’

Thị trường tài chính của Qatar đã ổn định hơn sau một tuần biến động do khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh.

“Rất thoải mái”

Xuất hiện lần đầu tiên trên truyền hình quốc tế trong một cuộc phỏng vấn với đài CNBC, Bộ trưởng Tài chính Qatar, ông Ali Sherif al-Emadi, đã lên tiếng trấn an về các thiệt hại kinh tế từ cuộc khủng hoảng ngoại giao nổ ra tại vùng Vịnh. Ông khẳng định chính phủ Qatar cảm thấy “rất thoải mái” với tình hình tài chính hiện tại, tự tin đất nước có đủ nguồn lực để vượt qua sức ép hiện nay.

Hãng tin Reuters nhận định Qatar hiện đã chứng minh mình đủ khả năng ngăn các thiệt hại kinh tế trở nên quá nghiêm trọng đối với đất nước. Các nhà máy chế biến thực phẩm đã lập tức tăng ca để xử lý nhanh hơn các đơn hàng nhập khẩu lương thực từ các nước ngoài vùng Vịnh, trong đó có Brazil và Iran. Các chuyến tàu chở các lô hàng đã được thay đổi lộ trình đi qua Oman thay vì UAE do lệnh đóng cửa cảng biển đối với Qatar.

Theo Reuters, hàng hóa tại Qatar có thể bị tăng giá và chậm trễ. Thế nhưng đối với đất nước mà người dân có thu nhập bình quân trên đầu người hơn 74.000 USD/năm, điều này có vẻ không đáng báo động. Các chuyên gia kinh tế phân tích rằng nếu khủng hoảng kéo dài sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến mức tín dụng của Qatar trong tương lai. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nền kinh tế đất nước vùng Vịnh vẫn đủ sức đáp ứng các nhu cầu vận hành cơ bản.

CEO Qatar Airways, Akbar Al Baker, không quá lo lắng về việc hãng hàng không bị cấm đến một số nước vùng Vịnh và Ả Rập. Ảnh: AF

Còn dầu còn thảnh thơi

Lĩnh vực năng lượng và kinh tế của Qatar vẫn hoạt động bình thường và nguồn cung cấp lương thực cùng các mặt hàng khác cũng không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lệnh cấm vận. Chia sẻ với CNBC, Bộ trưởng Ali Sherif al-Emadi cho rằng Qatar vẫn có thể nhập khẩu các mặt hàng từ Thổ Nhĩ Kỳ, các nước châu Âu và qua đó chính phủ nước này sẽ đối mặt với khủng hoảng bằng cách tăng đa dạng hóa nền kinh tế. “Trữ lượng và quỹ đầu tư của chúng tôi cao hơn 250% so với tổng sản phẩm quốc nội, vì vậy sẽ không có lý do gì để người dân phải lo lắng và suy đoán về tỉ giá hối đoái của Qatar” - ông cho biết.

Jason Tuvey, chuyên gia kinh tế Trung Đông, cho rằng nếu các quốc gia vùng Vịnh không can thiệp vào khí đốt của Qatar thì đất nước nhỏ bé này sẽ không bị suy thoái nghiêm trọng và vẫn có thể vượt qua khủng hoảng. Bộ trưởng tài chính cho rằng mối lo ngại lớn nhất hiện nay là việc các ngân hàng quốc nội sẽ gặp khó khăn để tìm nguồn vốn từ các ngân hàng khác nhằm duy trì tăng trưởng trong hoạt động cho vay. Tuy nhiên, nếu tình hình trở nên nghiêm trọng, chính phủ Qatar sẽ sẵn sàng phát mại những tài sản ở nước ngoài để tiếp vốn cho các ngân hàng.

Ngày 13-6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhận định lệnh cấm vận Qatar bởi các quốc gia vùng Vịnh là “một trường hợp rất phức tạp”. Ông cho rằng đây là thời điểm các nước cần nỗ lực tìm tiếng nói chung để giải quyết mâu thuẫn. Trả lời Ủy ban Quân vụ thuộc Hạ viện Mỹ, ông Mattis đánh giá giới lãnh đạo Qatar tuy đang phải đối diện với một tình thế khó khăn nhưng vẫn đang đi đúng hướng để giải quyết.

__________________________

Chúng tôi vô cùng thoải mái với tình hình hiện tại nhờ vào vốn đầu tư và khả năng thanh khoản của chính phủ.

ALI SHERIF AL-EMADI,
Bộ trưởng Tài chính Qatar trả lời CNBC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm