Từ khi luật công bằng tài chính ra đời, nhiều tỉ phú phương Đông đã lọt vào nghi án.
Đầu tiên, ông chủ Khelaifi (Qatar) của Paris St Germain bị UEFA “chiếu” qua vụ mua cùng lúc Neymar, Mbappe đều có giá trị thuộc loại kỷ lục thế giới.
Đến nay, Man. City đang đứng trước án phạt cấm tham gia Cúp châu Âu gồm Champions League và Europa League cùng việc phải nộp phạt 25 triệu bảng Anh (30 triệu euro).
Trước thông tin này, phía Man. City cho biết sẽ kiện lên Tòa án Thể thao Quốc tế (CAS) nhưng khả năng thắng kiện rất thấp.
Luật công bằng tài chính được UEFA cho áp dụng từ mùa 2011-2012 nhằm giúp các CLB nhỏ, ít tiền có được sự cạnh tranh công bằng, dẫn đến các giải đấu chất lượng hơn vì ít mất quân hơn do ông chủ các CLB lớn tung tiền gom hết cầu thủ giỏi về.
HLV Guardiola và các ngôi sao ở Man. City sẽ ra đi nếu “Man xanh” kháng án bất thành. Ảnh: GETTY IMAGES
Rui Pinto, nhân vật đã hack vào hệ thống tài liệu của Man. City và moi ra rất nhiều tài liệu mật tố cáo Man. City phạm luật. Ảnh: GETTY IMAGES
Nói luật công bằng tài chính để tránh trường hợp “cá lớn nuốt cá bé” cũng đúng, mà nói để chống rửa tiền cũng không sai. Tuy nhiên, từ đó cũng nảy sinh chuyện luồn lách, thậm chí là làm giả chứng từ để hợp thức hóa...
Từ những bài báo trên tờ báo Đức Der Spiegel hồi tháng 11-2018 qua các số liệu từ các hộp thư điện tử và tài liệu của CLB Man. City bị hack đã lộ ra rất nhiều điều, mà cụ thể là vi phạm luật công bằng tài chính.
Ông chủ CLB Man. City, Sheikh Mansour bin Zayed Nahyan của tập đoàn gia đình trị Abu Dhabi, đã tài trợ một khoản khổng lồ cho Man. City trị giá 67 triệu bảng qua áo đấu, sân vận động, học viện của CLB. Rồi hãng hàng không lừng danh Etihad cũng đã bị khui ra là đã chuyển quỹ cho Man. City qua tài trợ mùa 2015 và 2016 là 8 triệu bảng, trong đó tỉ phú Sheikh Mansour cũng là giới chủ trong Etihad thuộc Tập đoàn Abu Dhabi Itd Group này.
Xét về luật công bằng tài chính thì Man. City đã vi phạm quá nhiều do tất cả đối tác tài trợ cho CLB đều có gốc gác từ Chủ tịch Sheikh Mansour.
Nếu Man. City kháng án bất thành thì trước mắt thiệt hại cho CLB này ngoài việc đóng phạt 30 triệu euro, chỉ hai năm cấm dự cúp châu Âu (Champions League hoặc Europa League) từ mùa 2021-2022, Man. City thiệt hại khoảng 88 triệu euro vì bản quyền truyền hình và tiền nhận từ giải đấu…
Báo chí thế giới làm rùm beng chuyện nếu Man. City bị cấm thi đấu giải châu Âu hai năm sẽ làm đảo lộn việc chọn các đội của Anh và đảo lộn cả các giải đấu châu Âu. Nhưng điều này có thể không xác thực, bởi nếu Man. City bị loại các giải châu Âu thì “suất của Anh” cứ thế đôn lên mà thôi.
Tất nhiên, nếu y án thì nội tình Man. City sẽ có những cuộc “đào tẩu” của các ngôi sao trong việc đi tìm CLB mới để chinh phục thành tích châu Âu chứ không ai muốn chôn chân ở một CLB mà không được đá cúp châu Âu.
Kẻ có công là tội đồ Nhân vật mang tên “John” được xác định có tên Rui Pinto, quốc tịch Bồ Đào Nha, hiện đang ở Bồ Đào Nha và đối mặt 147 tội danh, trong đó bao gồm các tội hack và đột nhập mạng bất hợp pháp, đánh cắp thông tin… Những lần John đánh cắp tài liệu đều được đăng lên truyền thông khiến UEFA chú ý từ năm 2011 và bắt đầu Der Spiegel đăng tải hồi tháng 11-2018… Đó cũng chính là những thông tin giúp UEFA chỉ mặt Man. City. Cáo buộc cũng cho rằng có một số CLB của Bồ Đào Nha liên quan đến John và các vụ tấn công mạng. Chủ tịch Sheikh Mansour cũng quyết kiện kẻ tấn công mạng moi các thông tin mật lên CAS. |