Công an TP.HCM vừa ngăn chặn thành công một vụ giả danh Công an TP Hà Nội gọi điện thoại lừa đảo gần 1 tỉ đồng của nhóm người Đài Loan, Trung Quốc. Công an bắt Lục Minh Hải (ngụ phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) để điều tra vì có hành vi mở ba tài khoản thẻ ở ngân hàng, bán cho nhóm lừa đảo.
Có mặt tại trụ sở Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng (PC46, Công an TP.HCM), bà HTPH
(49 tuổi, ngụ quận 4) cho biết: Sáng 12-7, bà nhận được cuộc điện thoại bàn thông báo là bà đang nợ 800.000 đồng cước điện thoại ở Hà Nội. Sau khi nghe bà thông tin là không nợ cước thì họ giải thích “có thể ai đó dùng giấy tờ của chị để đăng ký” và khuyên bà nên nhờ công an điều tra kẻo bị gạt tiền.
“Ngay sau đó có người gọi đến xưng là Công an TP
Hà Nội, yêu cầu tôi gọi đến tổng đài 1080 để xác nhận số điện thoại mà họ đang liên lạc có phải của công an hay không. Tôi làm theo và được xác nhận là số của Công an TP Hà Nội” - bà H. kể.
Tiếp đến, người đàn ông xưng là công an thông báo bà có liên quan đến những sai phạm của bầu Kiên rồi đưa ra phương án: Bị cảnh sát 113 bắt đưa ra Hà Nội điều tra hoặc đóng tiền thế chân để tại ngoại.
Khi bà H. cho hay chỉ còn 1,3 tỉ đồng trong tài khoản thì họ giục bà chuyển ngay nếu không muốn bị cảnh sát 113 tới bắt. “Sau đó họ đưa tôi số điện thoại 04113 và yêu cầu gọi. Tôi gọi thì có người xác nhận sẽ tới bắt nếu không chuyển tiền. Tôi lo lắng nên chuyển vào tài khoản tên Lục Minh Hải. Ngay sau khi chuyển tiền, tôi hỏi lại người thân là công an thì biết bị lừa nên kịp báo cho công an… Tôi thấy các số điện thoại họ cung cấp đều có dấu + ở phía trước, sau này mới biết là số ảo” - bà H. kể.
Bị bắt để điều tra về tội lừa đảo, Lục Minh Hải khai nhận: Khi đi bán chuỗi hạt đeo tay thì Hải quen một người Trung Quốc. Đầu tháng 4-2016, người này đề nghị Hải đi mở các tài khoản thẻ (visa) có đăng ký Internet Banking, SMS Banking... và sẽ trả tiền 1,5 triệu đồng/thẻ. “Dù biết họ thường gọi điện thoại lừa đảo nhưng cuộc sống khó khăn, tôi làm bốn thẻ ATM cho họ” - Hải khai.
Theo một cán bộ điều tra, các nghi phạm sử dụng phần mềm “giả đầu số cuộc gọi” nên người dân khó biết. “Đây là phương thức thủ đoạn cũ nhưng vẫn có người bị lừa. Đặc biệt, người dân không cung cấp CMND, số tài khoản, thẻ ngân hàng cho các đối tượng sử dụng vào mục đích lừa đảo vì sẽ bị xử lý là đồng phạm lừa đảo” - vị cán bộ điều tra nói.
Công an TP.HCM tiếp tục khuyến cáo người dân rằng công an, VKS, tòa án không làm việc qua điện thoại nếu chưa có thỏa thuận trước với người được mời. Việc thu giữ, tạm giữ đồ vật, tài sản của người dân bằng văn bản theo quy định. Nếu nghi vấn tài khoản của mình bị lợi dụng để lừa đảo, người dân báo ngay cho công an gần nhất để ngăn chặn. Các chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng nhắc nhở khách hàng khi họ chuyển hoặc nộp tiền vào tài khoản của người lạ không có lý do rõ ràng. |