Nhiều người thường có thói quen mang cơm trưa đi làm thay vì ăn ngoài. Điều này vừa giúp bạn tiết kiệm chi phí lại đảm bảo an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, chính thói quen này cũng gây ra nhiều phiền toái, ảnh hưởng tới sức khỏe.
1. Ăn cơm trưa tại bàn làm việc
Theo Boldsky, các nhà nghiên cứu cho biết ăn trưa tại bàn làm việc đồng nghĩa với việc bạn ngồi nhiều hơn. Điều này thực sự không tốt cho sức khỏe, bởi nếu như bạn ngồi một chỗ gần như suốt ngày gây ra các bệnh tim, đau vai, lưng. Hơn nữa những người ăn trưa tại bàn làm việc có khuynh hướng tiêu thụ các thực phẩm chứa nhiều chất béo, thiếu dinh dưỡng, gây tổn hại tới hệ thống tiêu hóa. Thậm chí tăng nguy cơ mắc cholesterol cao, cao huyết áp và tim mạch.
Ngoài ra, bàn làm việc là nơi sinh sản và phát triển của vô số vi khuẩn. Ăn trưa thường xuyên tại bàn sẽ vô tình lây nhiễm vi khuẩn, gây mầm bệnh cho chính bạn.
2. Không sử dụng hộp đựng thực phẩm chuyên dụng
Để tiết kiệm hoặc muốn giảm trọng lượng khi mang cơm đi làm, nhiều người thường tận dụng các hộp nhựa để đựng đồ ăn mà không chú ý đến chất lượng. Tuy nhiên, thói quen này lại gây ra những tác hại tiêu cực cho sức khỏe. Theo các chuyên gia, việc sử dụng các loại hộp đựng kém chất lượng sẽ thôi nhiễm các chất độc hại.
Không nên sử dụng hộp nhựa kém chất lượng khi mang cơm đi làm. Ảnh: Internet
Do đó, nên sử dụng các hộp đựng cơm chuyên dụng hoặc đồ thủy tinh. Nếu dùng sản phẩm nhựa nên lựa chọn chỗ uy tín, dùng sản phẩm nhựa trắng sẽ tốt hơn nhựa màu. Đặc biệt, việc sử dụng hộp nhựa chuyên dụng còn có thể dùng trong lò vi sóng nên rất thuận tiện và an toàn.
3. Cho thức ăn nóng vào hộp
Vì quá bận rộn nên nhiều người thường cho luôn cơm và thức ăn còn nóng vào hộp ngay khi vừa nấu xong. Điều này sẽ khiến thức ăn của bạn dễ bị hấp hơi, nhanh bốc mùi, dẫn đến thiu. Đặc biệt, nếu bạn dùng phải những loại hộp nhựa đựng thực phẩm một lần hoặc kém chất lượng còn khiến thức ăn bị nhiễm hóa chất độc hại từ các sản phẩm nhựa này.
4. Dùng thức ăn từ tối qua để mang đi làm
Mang thức ăn nấu sẵn từ bữa tối hôm trước là thói quen của nhiều người nhằm tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, một số thực phẩm đã chế biến nếu để qua đêm sẽ bị biến chất và không có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là các món canh. Ngoài ra đối với các món ăn từ đậu phụ, hải sản, trứng, nấm... nên hạn chế dùng lại khi đã để qua đêm. Vì những thực phẩm này có thể bị biến đổi protein hoặc sản sinh ra vi khuẩn gây hại.
Do đó, sắp xếp thời gian để có một bữa ăn chất lượng vào buổi trưa nhé.
5. Để chung cơm và thức ăn vào một hộp
Không nên để chung cơm với thức ăn. Ảnh: Internet
Để tránh cồng kềnh và tiết kiệm hộp đựng, nhiều người có thói quen để chung cơm và thức ăn vào một hộp đựng. Mỗi món ăn có một thời điểm chế biến và thời điểm hỏng, mốc, lên men khác nhau. Do đó, nếu để chung, nguy cơ lây nhiễm khuẩn sẽ tăng cao, nhất là khi để đồ xào nấu có nước xốt chung với cơm trắng. Chị em nội trợ nên lựa chọn loại hộp cơm có nhiều ngăn hoặc dùng giấy bạc siêu thị để gói riêng từng loại thực phẩm.