Theo trang Space.com, lực hấp dẫn từ Mặt trăng là nguyên nhân gây ra thủy triều trên Trái đất, vì vậy theo Định luật 3 Newton, Trái đất cũng sẽ tác động một lực tương tự lên Mặt trăng. Thế nhưng gần đây, các nhà khoa học mới tìm thấy bằng chứng của tác động này: Những vết đứt gãy trên bề mặt Mặt trăng.
Thomas Watters, một nhà thiên thể học hiện đang nghiên cứu tại Bảo tàng Quốc gia về không gian và vũ trụ (Smithsonian Institution's National Air and Space Museum) tại Washington cho biết: "Những nghiên cứu về lịch sử thiên thể cho ta hiểu được mối quan hệ mật thiết giữa Trái đất và Mặt trăng nhưng điều bất ngờ mà chúng tôi tìm được chính là Trái đất vẫn đang làm biến dạng Mặt trăng."
Hình ảnh từ LRO cho thấy một vết đứt gãy lớn tại khu vực cụm Vitello Cluster trên Mặt trăng. Hình ảnh công bố ngày 15-9-2015. (Nguồn: NASA/LRO/Arizona State University/Smithsonian Institution)
Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu gửi về từ vệ tinh thăm dò Mặt trăng (LRO) của NASA phóng lên quỹ đạo Mặt trăng từ năm 2009. Vào năm 2010, họ phát hiện ra rằng Mặt trăng đang co lại.
Những vết nứt này giúp kiến tạo nên những dãy núi nhỏ đặc trưng trên Mặt trăng, cao hàng mét và dài khoảng 10 km. Các nghiên cứu ban đầu dự đoán những dãy núi này khoảng 50 triệu năm tuổi và vẫn còn dấu hiệu đang kiến tạo cho tới tận ngày nay.
3.200 vết đứt gãy được thể hiện trên bản đồ. (Nguồn: NASA/LRO/Arizona State University/Smithsonian Institution
Nếu cho rằng sự hình thành các dãy núi thấp này là do sự nguội và co lại của lõi Mặt trăng thì những vết đứt gãy này phải có hướng chạy ngẫu nhiên vì lực phân bố khi lõi Mặt trăng co phải là đồng đều trên toàn thiên thể.
Lực hấp dẫn từ Trái đất không tác động một cách đồng đều lên Mặt trăng. Mặt trăng hầu như chỉ quay một mặt về phía Trái đất do chu kỳ quay quanh Trái đất gần như trùng với chu kỳ tự quay của chính nó, vì vậy lực hút của Trái đất sẽ tác động mạnh hơn về phía nửa gần Trái đất hơn của Mặt trăng.
Hình ảnh từ LRO cho thấy những vết đứt gãy lồi, trẻ. Hình ảnh công bố ngày 15-9-2015. (Nguồn: NASA/LRO/Arizona State University/Smithsonian Institution)
Điều này dẫn tới việc các vết nứt trên Mặt Trăng ở các vĩ độ trung và thấp gần xích đạo của Mặt trăng chạy theo hướng Bắc-Nam và chạy theo hướng Đông-Tây tại các vĩ độ cao gần hai cực của Mặt trăng. Lực tác dụng từ Trái đất nhỏ hơn lực tự co của Mặt trăng khoảng từ 50 tới 100 lần, sự tổng hợp giữa lực hút và lực tự co này đã gây ra những vết nứt quan sát được.