58 người Palestine đã chết, hơn 2.700 người bị thương vì đạn và hơi cay của Israel.
Times of Israel dẫn nguồn tin ngoại giao nói Mỹ đang vận động chặn HĐBA ra tuyên bố kêu gọi điều tra độc lập cuộc biểu tình đẫm máu này. Nhà Trắng ngày 14-5 cho rằng Israel có quyền tự vệ, đổ lỗi cho nhóm vũ trang Hamas đang cầm quyền ở Dải Gaza chịu trách nhiệm.
Nước Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ ngày 14-5 đã phản ứng bằng cách triệu hồi đại sứ ở Mỹ và Israel, đồng thời kêu gọi Tổ chức Hợp tác Hồi giáo họp khẩn vào ngày 18-5. Trước đó, Nam Phi cũng triệu hồi đại sứ ở Israel.
Nhiều nước trong HĐBA - Anh, Pháp, Nga - lên án quyết định chuyển đại sứ quán về Jerusalem của Mỹ và hành động thảm sát của Israel tại biên giới với Dải Gaza. Anh, Pháp khẳng định vẫn gắn kết với giải pháp hai nhà nước trong thương lượng Israel-Palestine.
Người Palestine oằn mình trong đạn khói của binh sĩ Israel trong cuộc biểu tình tại biên giới Dải Gaza-Israel ngày 14-5. Ảnh: REUTERS
Với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Mỹ chính thức chuyển đại sứ quán ở Israel từ Tel Aviv về Jerusalem đồng nghĩa lời hứa tranh cử của ông đã được thực hiện. Tuy nhiên, theo New York Times, “cuộc đảo chính chính sách đối ngoại” này của ông Trump chỉ làm phức tạp thêm viễn cảnh hòa bình Trung Đông.
Theo nhà phân tích cấp cao Jim Phillips tại Quỹ Heritage (Mỹ), công nhận Jerusalem là thủ đô Israel sẽ có tác động tích cực với hòa bình Trung Đông khi buộc Palestine quay lại bàn đàm phán sau khi cơn sốc và nỗi tức giận qua đi. Tuy nhiên, nhà phân tích Aaron David Miller, Phó Chủ tịch Trung tâm Các học giả Quốc tế Woodrow Wilson (Mỹ), vốn rất bi quan về viễn cảnh tìm được thỏa thuận hòa bình Trung Đông nay lại càng xem đây là nhiệm vụ bất khả. Ông Miller trước vốn là nhà thương lượng hòa bình Trung Đông, từng cố vấn các tổng thống Mỹ cả Cộng hòa lẫn Dân chủ về Trung Đông.