Đến tối 22-7, báo Kommersant (Nga) đưa tin lần đầu tiên Cục An ninh quốc gia Mỹ (NSA) công bố giải thích về tai nạn máy bay MH17.
Báo De Volkskran (Hà Lan) đăng nguyên trang đầy đủ tên các nạn nhân tai nạn máy bay MH17. Ảnh: GETTY IMAGES
NSA đã tổ chức một cuộc họp báo kín. Phóng viên dự họp báo có quyền sử dụng thông tin nhưng bị cấm trích dẫn họ tên cá nhân cung cấp thông tin. NSA nhận định:
Máy bay MH17 bị một tên lửa đất đối không Buk SA-11 bắn rơi từ khu vực do lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine kiểm soát.
Giả thiết đáng tin cậy nhất là lực lượng ly khai Ukraine bắn nhầm máy bay MH17. Lý do bắn nhầm là các tay súng ly khai không được đào tạo bài bản. Tên lửa Buk là tên lửa hiện đại, do đó người sử dụng phải có trình độ kỹ thuật nhất định.
Đến giờ này chưa thể nói ai nhấn nút phóng tên lửa và vì sao lại hành động như vậy.
NSA cho biết trước tai nạn máy bay MH17, lực lượng ly khai đã từng bắn rơi 12 máy bay của quân đội Ukraine. Mỹ không biết lực lượng ly khai Ukraine có trang bị tên lửa Buk.
NSA thừa nhận Mỹ không có bằng chứng Nga liên can đến vụ máy bay MH17 bị bắn rơi, Mỹ cũng không có thông tin về người Nga có mặt ở dàn phóng lúc tên lửa bắn đi cũng như những người điều khiển dàn phóng có được đào tạo ở Nga hay không.
Dù vậy, NSA nhận định Nga đã tạo điều kiện dẫn đến thảm kịch máy bay MH17, đó là cung cấp vũ khí cho lực lượng ly khai Ukraine, trong đó có vũ khí phòng không và xe tăng.
Trong khi đó, ngày 23-7, Hạ viện Malaysia đã tổ chức phiên họp đặc biệt lên án hành động bắn máy bay MH17 tại miền Đông Ukraine như hành động man rợ, vô nhân đạo và độc ác.
Báo Bernama (Malaysia) cho biết phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Malaysia Najib Razak bày tỏ rằng Malaysia thất vọng và tức giận trước việc hiện trường của vụ rơi máy bay không tôn trọng và những chậm trễ trong việc thu gom thi thể các nạn nhân.
Ông Najib Razak cũng lên án hành động bắn rơi máy bay dân sự MH17 là hành động tàn độc nhất và là tội ác bạo lực nhất. Ông nhấn mạnh: “Những người chịu trách nhiệm đối với thảm kịch này phải bị đưa ra trước công lý”.
Thủ tướng Najib Razak nói Malaysia mong muốn Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) lên án mạnh mẽ hành động tấn công máy bay MH17 như đã từng lên án trong các trường hợp tương tự khác trước đây.
Ông cũng cho biết thỏa thuận đạt được với lãnh đạo lực lượng ly khai Alexander Borodai nhằm cho phép đội điều tra quốc tế tiếp cận hiện trường, đồng thời bảo đảm sự an toàn của họ vẫn chưa được thực hiện một cách đầy đủ.
Ông nói vào thời điểm này, Malaysia không đổ lỗi cho bên nào cho đến khi tìm ra sự thật. Ông nhấn mạnh không nên đưa ra bất cứ phỏng đoán nào vì điều này có thể gây tác động không tốt đối với gia đình nạn nhân.
Ông cam kết với các gia đình có thân nhân trên chuyến bay MH17 rằng chính phủ sẽ tiếp tục đòi công lý và sẽ không ngừng tìm kiếm sự thật cho dù có phải đối mặt với khó khăn.
- Ngày 23-7, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Obama và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã cùng quan tâm đến bằng chứng rằng Nga tiếp tục giao vũ khí và đưa người hỗ trợ lực lượng ly khai Ukraine. Cùng ngày, Tổng thống Obama đã đến Đại sứ quán Hà Lan tại Washington để chia buồn. Ông nói: “Trái tim của tất cả chúng ta đều tan vỡ”. Ông cam kết Mỹ sẽ hợp tác với Hà Lan để bảo đảm tìm kiếm đầy đủ các nạn nhân và thực thi công lý trong tai nạn máy bay này. - Tòa án Hà Lan đã mở cuộc điều tra về các hành vi giết người, phạm tội ác chiến tranh và cố ý bắn hạ máy bay dân dụng trong tai nạn máy bay MH17. Theo luật Hà Lan về tội phạm quốc tế, Hà Lan có thể truy tố người phạm tội ác chiến tranh đối với công dân Hà Lan. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte từng phát biểu trước Quốc hội đe dọa sẽ áp dụng các biện pháp nghiêm khắc nếu Nga không gây sức ép với lực lượng ly khai Ukraine để tăng cường hỗ trợ điều tra. *** Tiêu điểm Chúng tôi không biết tên người nhấn nút khai hỏa tên lửa, chúng tôi không biết cấp bậc của người này và chúng tôi không chắc chắn 100% về quốc tịch của người này. Đại diện Cục An ninh Quốc gia Mỹ |
HOÀNG DUY - LÊ LINH