Ba ngày sau vụ máy bay chở khách của Ukraine rơi ở Tehran (Iran) làm toàn bộ 176 người thiệt mạng, sáng 11-1, cả Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Ngoại trưởng Javad Zarif thừa nhận chiếc máy bay đã bị trúng tên lửa do “lỗi con người”, đài RT đưa tin.
Iran nói không cố tình che giấu
Cùng ngày, tướng Amir Ali Hajizadeh - chỉ huy lực lượng Hàng không vũ trụ thuộc Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) nhận trách nhiệm và xin lỗi về sai lầm của cấp dưới. Tướng Hajizadeh thừa nhận chiếc Boeing 737-800 bị phòng không Iran bắn nhầm do bị xác định sai là tên lửa đạn đạo. Vụ việc xảy ra trong bối cảnh phòng không nước này được đặt vào tình trạng báo động cao nhất đối phó nguy cơ xảy ra một “cuộc chiến tranh toàn diện” với Mỹ, sau khi Iran nã hàng chục tên lửa vào hai căn cứ Mỹ ở Iraq bốn tiếng trước đó.
Tướng Hajizadeh nói ông đã biết chiếc Boeing 737-800 của Ukraine trúng tên lửa vào cùng ngày xảy ra thảm kịch, quá trình xác minh đã khiến thông tin được công bố chậm chứ IRGC không cố tình che giấu.
Sự thừa nhận của chính phủ Iran về vụ bắn nhầm thảm khốc đã kích động một làn sóng giận dữ nguy hiểm cả trong và ngoài nước.
Tại Tehran và nhiều TP khác ở Iran, chiều tối 11-1, hàng ngàn người đổ ra đường phản đối sai lầm của lực lượng IRGC và yêu cầu lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei từ chức.
Các nạn nhân ngoài 82 công dân Iran còn có 63 công dân Canada, 10 công dân Thụy Điển, bốn công dân Afghanistan, ba công dân Đức và ba công dân Anh. Lãnh đạo các nước có công dân thiệt mạng đã công khai lên án hành động của quân đội Iran. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky yêu cầu Iran tổ chức “một cuộc điều tra đầy đủ và công khai, đưa những người chịu trách nhiệm ra trước công lý, đưa thi thể các nạn nhân về nước, bồi thường thiệt hại và xin lỗi chính thức thông qua các kênh ngoại giao”. Thủ tưởng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven lên án việc Iran đã tấn công một máy bay dân sự và yêu cầu Iran phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về thảm kịch này.
Viết trên mạng xã hội Twitter bằng cả tiếng Anh và tiếng Ba Tư, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố “thế giới đang theo dõi” hành động của Iran.
Hiện trường chiếc Boeing 737-800 của Ukraine rơi sau khi trúng tên lửa phòng không của Iran. Ảnh: AFP
Đi bước gì tiếp theo?
Báo The Washington Post ngày 12-1 dẫn lời nhiều chuyên gia cho rằng Iran buộc phải thừa nhận gây ra vụ việc vì các bằng chứng rất rõ ràng và không thể chối cãi. Dù sao việc thừa nhận đã xong rồi, giờ Iran phải tính toán các bước đi tiếp theo.
Trước mắt là tổn thất về kinh tế. Rất nhiều nước hiện đã ngưng khai thác đường bay đến Iran trong khi chờ kết quả điều tra toàn diện. Tiếp nữa, tổng thống Ukraine đã nói tới chuyện bồi thường. Và theo GS luật Carl Tobias tại ĐH Richmond (Mỹ), các nguyên đơn có thể kiện đòi hỏi trách nhiệm pháp lý từ Iran. Iran hoàn toàn có thể bị truy tố tội hình sự và phải chịu trách nhiệm pháp lý vì vẫn khai thác không phận trong bối cảnh có nguy hiểm, dù quá trình theo đuổi kiện tụng có thể sẽ phức tạp vì vướng thẩm quyền tư pháp.
Thảm họa kinh hoàng và sai lầm không thể tha thứ Tổng thống Iran Hasan Rouhani. Lỗi con người trong bối cảnh khủng hoảng do chủ nghĩa phiêu lưu của Mỹ đã dẫn tới thảm kịch Ngoại trưởng Iran Javad Zarif. Tôi ước mình có thể chết để không phải chứng kiến một thảm kịch như vậy tướng Amir Ali Hajizadeh, chỉ huy lực lượng Hàng không vũ trụ |
Chuyện này đã có tiền lệ. Năm 1988, quân đội Mỹ bắn rơi máy bay Iran ở eo biển Hormuz làm 290 người thiệt mạng. Mỹ ban đầu cũng bác bỏ liên quan nhưng sau đó thừa nhận xác định sai chiếc máy bay là tên lửa Iran cho nên phóng một tên lửa hành trình bắn nhầm. Mỹ từ chối nhận trách nhiệm pháp lý lẫn xin lỗi và Iran đã kiện lên Tòa án Công lý Quốc tế. Sau đó hai bên dàn xếp, Mỹ đồng ý bồi thường tổng cộng 61,8 triệu USD.
Theo chuyên gia Ostovar, ngoài có thể tham khảo tiền lệ này thì Iran còn một cách khác nữa giúp giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý là tìm một nhân vật thế thân. Và có vẻ như nhân vật đó đã xuất hiện, đó là tướng Hajizadeh. Tướng Hajizadeh chịu trách nhiệm về các hoạt động của Iran ở Syria và với các nước đối thủ vùng Vịnh. Uy tín nhân vật này dĩ nhiên bị tổn hại nghiêm trọng với việc đứng ra giải thích và nhận trách nhiệm. Theo nhà phân tích Seth J. Frantzman về vấn đề Trung Đông của tờ Jerusalem Post, khả năng tướng Hajizadeh và IRGC đã buộc phải làm theo lệnh của chính phủ Iran, để chính phủ nước này không bị mang tiếng là cực đoan.
Vậy tại sao Iran phải mạo hiểm danh tiếng tướng Hajizadeh và IRGC? Theo nhà phân tích an ninh quốc gia Mỹ Rebecca Grant, vì thừa nhận bắn rơi máy bay chở khách Ukraine mang lại cho Iran cơ hội bắt đầu hợp tác và giảm căng thẳng với Mỹ cũng như với các nước khác. Hay nói như chuyên gia Afshon Ostovar tại Trường Đào tạo hải quân sau đại học (Mỹ), “việc nhận lỗi có thể mở ra con đường đối thoại”, hướng tới việc giảm sự thù địch giữa các bên. Có phần bi quan hơn, dù cho rằng an ninh khu vực tương lai tới có thể sẽ ổn định hơn nhưng bà Suzanne Maloney - Phó Giám đốc chương trình chính sách đối ngoại tại Viện Chính sách Brookings (Mỹ) vẫn nghi ngờ khả năng Iran “sẽ từ bỏ bất kỳ vị trí nào của mình trong khu vực” sau sự cố này.
Tình huống máy bay Ukraine bị bắn rơi xảy ra gần sân bay quốc tế Imam Khomeini ở Tehran, do đó không tránh khiến người ta đặt ra nhiều câu hỏi, theo nhà phân tích Seth J. Frantzman. Thứ nhất, tại sao IRGC không phối hợp với bộ phận kiểm soát không lưu dân sự tại sân bay Imam Khomeini? Thứ hai, tại sao IRGC không thu thập danh sách các chuyến bay dân sự sẽ cất cánh trong thời điểm đó? Thứ ba, tại sao sân bay Imam Khomeini không hướng dẫn các máy bay dân sự chuyển hướng khỏi khu vực có nguy cơ, thậm chí ngừng cất cánh trong bối cảnh nguy hiểm này? Ông Yevhenii Dykhne, Giám đốc hãng hàng không Ukraine International Airlines, bất bình khi “Iran ám chỉ rằng phi hành đoàn đã hành động độc lập”. Ukraine cáo buộc Iran phải chịu hoàn toàn trách nhiệm vì đã không đóng cửa không phận hay không có bất kỳ cảnh báo nào về hoạt động bay ở Tehran. |