Mây, tre “made in Vietnam” nhiều cơ hội ở trời Tây

(PLO)- Chất liệu thân thiện với môi trường, mẫu mã đẹp, đa năng giúp các sản phẩm từ mây, tre, cói Việt được nhiều quốc gia khó tính ưa chuộng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo ước tính của Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VIETCRAFT), cứ 1 triệu USD xuất khẩu của ngành thủ công mỹ nghệ mang lại lợi nhuận gấp 5-10 lần so với ngành khai thác. Vì vậy, mặt hàng này được dự báo có tăng trưởng xuất khẩu đạt trên 12%/năm, kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 4 tỉ USD vào năm 2025.

Rổ, rá từ mây, tre ra thế giới

Thừa Thiên-Huế, vùng đất cố đô với đa dạng các nghề truyền thống, qua thời gian nhiều làng nghề đã bị mai một. Nhiều nghệ nhân khó sống với nghề vì tốc độ phát triển công nghiệp hóa. Tuy nhiên, làng nghề truyền thống mây, tre Bao La (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền) lại có một hướng đi khác. Nhiều năm nay, hợp tác xã (HTX) này luôn có từ hàng chục đến hàng trăm nhân công làm việc. Trong thời điểm dịch COVID-19, nhiều công ty điêu đứng thì ngành này vẫn tạo công ăn việc làm cho hàng chục người.

Ông Võ Văn Dinh, Giám đốc HTX Mây, tre Bao La, cho biết trải qua 15 năm phát triển, đến nay mây, tre đan của HTX đã có chỗ đứng và được xuất đi nhiều nước trên thế giới.

Thị trường tiềm năng cho hàng thủ công mỹ nghệ

Sản phẩm làm từ mây, tre, cói của Việt Nam có khả năng chiếm lĩnh 10%-15% thị phần trên thị trường thế giới. Dự báo xuất khẩu mây, tre, cói, thảm của Việt Nam trong năm 2022 sẽ tăng 20%-30% so với năm 2021, vượt mức kim ngạch 1 tỉ USD.

Ước tính Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất với doanh số chiếm 35% kim ngạch xuất khẩu hằng năm. Tiếp đó là những cái tên lớn quen thuộc như Nhật Bản, EU, Úc, Hàn Quốc. Những quốc gia Thái Lan, Đài Loan, Ấn Độ, Nga, Chile, Na Uy cũng là những thị trường mới nổi tiềm năng.

Những năm đầu thành lập, HTX chỉ có khoảng 30-40 mẫu sản phẩm mây, tre đan nhưng đến nay đang có hơn 500 mẫu sản phẩm được bày bán.

“Để phát triển nghề này đòi hỏi các nghệ nhân, công nhân và HTX luôn đổi mới mẫu mã theo nhu cầu của người dùng, phải vừa đẹp vừa bền thì mới có thể bán và xuất khẩu được” - ông Dinh nói.

Hiện nay HTX có thời điểm cần đến 200 nhân công làm việc ngày đêm để kịp cung ứng đơn hàng. Lúc cao điểm, mỗi tháng HTX xuất khoảng 7.000 sản phẩm các loại ra thị trường.

“Thông qua một số đối tác, năm 2013 các sản phẩm mây, tre đan do HTX sản xuất đã xuất khẩu và có chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Theo đánh giá, các sản phẩm mây, tre đan Huế xuất khẩu đều được các đối tác đón nhận vì mẫu mã tinh xảo, giá cả hợp lý” - ông Dinh thông tin.

Ông Võ Văn Dinh, Giám đốc HTX Mây, tre Bao La, đang kiểm tra sản phẩm. Ảnh: NGUYỄN DO
Ông Võ Văn Dinh, Giám đốc HTX Mây, tre Bao La, đang kiểm tra sản phẩm. Ảnh: NGUYỄN DO

Trong số thị trường nước ngoài thì Trung Quốc chiếm lượng lớn đầu ra các sản phẩm. HTX đang tăng cường tìm thêm thị trường thông qua các nền tảng mạng xã hội, diễn đàn. Theo ông Dinh, thương mại điện tử (TMĐT) là xu hướng tất yếu và mọi doanh nghiệp truyền thống cũng phải kịp thời tiếp cận.

Mượn sức của thương mại điện tử

Tham gia xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ bảy năm trên sàn Alibaba.com, bà Hoàng Thanh Tâm, Giám đốc điều hành Công ty Indochina Creative Investment & Development JSC, với thương hiệu Viettime Craft, nhìn nhận thị trường quốc tế vô cùng tiềm năng cho các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này.

“Năm 2015, chúng tôi có đơn hàng đầu tiên trên sàn Alibaba.com và chỉ hai tháng sau, các sản phẩm liên tục cháy hàng. Indochina đã thành công chinh phục thị trường châu Âu và châu Mỹ. Đồng thời xây dựng nhà máy đạt tiêu chuẩn Mỹ, châu Âu vào năm 2018 để chế tác một dòng sản phẩm mới và tiếp cận nhiều thị trường quốc tế hơn nữa”.

Hàng mây, tre của Việt Nam tham dự một hội chợ triển lãm. Ảnh: THU HÀ
Hàng mây, tre của Việt Nam tham dự một hội chợ triển lãm. Ảnh: THU HÀ

Trao đổi với chúng tôi, ông Roger Lou, Giám đốc quốc gia Alibaba.com tại Việt Nam, công nhận thủ công mỹ nghệ là một trong những ngành hàng có mức phát triển cao nhất trên sàn Alibaba.com với hơn 2 triệu sản phẩm được trưng bày và hơn 5.000 người mua tích cực mỗi ngày, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, các sản phẩm từ mây, tre được bán rất nhiều với đa dạng ứng dụng từ thủ công mỹ nghệ đến trang trí nhà cửa, vườn tược, nội thất, túi xách…

“Sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam luôn được đánh giá cao về chất lượng thành phẩm, mẫu mã đa dạng, kỹ năng xuất khẩu và chăm sóc khách hàng tốt” - ông Roger Lou nhìn nhận.

Mặc dù không tiết lộ con số cụ thể về tỉ trọng tăng trưởng của nhóm ngành mây, tre, cói… ở sàn TMĐT quốc tế Amazon nhưng ông Gijae Seong, Giám đốc Amazon Global Selling Việt Nam, tiết lộ tốc độ và tỉ trọng tăng trưởng liên tục những năm qua luôn là ba con số.

Cũng theo ông Gijae, ngành hàng nội thất và trang trí nhà cửa là một trong những nhóm sản phẩm bán chạy nhất của nhà bán hàng Việt trên Amazon trong hai năm liền, dự kiến tiếp tục tăng trưởng trong năm 2023.

Theo đó, các chất liệu thường được doanh nghiệp sử dụng trong nhóm ngành này là gỗ và mây, tre… với rất nhiều mẫu mã. Điều này cũng tạo đà phát triển cho doanh nghiệp muốn tiếp cận với lĩnh vực này trên sàn TMĐT xuyên biên giới.

Ông Roger Lou, Giám đốc quốc gia Alibaba.com tại Việt Nam:

Khách hàng muốn biết rõ về nhà cung cấp

Thời gian gần đây, yêu cầu của khách hàng doanh nghiệp đối với sản phẩm thủ công mỹ nghệ nói chung và mây, tre đan nói riêng tăng lên rất cao.

Theo dữ liệu về hành vi mua hàng của Alibaba.com, khách hàng không chỉ có yêu cầu về mẫu mã và số lượng hàng hóa mà các chứng chỉ đảm bảo chất lượng cũng như hình ảnh chi tiết nhà máy cũng được yêu cầu trong quá trình giao dịch.

Điều này nhằm đảm bảo năng lực kinh doanh của nhà cung cấp, đặc biệt là đối với các thị trường lớn với khách hàng có sức mua cao như Mỹ hoặc châu Âu. Đây là những thị trường có sức mua lớn nhất của nhóm ngành này, đồng thời cũng là thị trường đặt ra yêu cầu khắt khe nhất về chất lượng sản phẩm, năng lực sản xuất và khả năng cung cấp nguồn hàng bền vững.

Ông Roger Lou, Giám đốc quốc gia Alibaba.com tại Việt Nam

Ông Roger Lou, Giám đốc quốc gia Alibaba.com tại Việt Nam

Hoàng Thanh Tâm, Giám đốc điều hành Công ty Indochina Creative Investment & Development JSC:

Những đòi hỏi cao hơn từ khách hàng

Mặc dù tốc độ phát triển vô cùng tiềm năng nhưng nhóm ngành này có rất nhiều thách thức trong việc tạo dựng uy tín trên thị trường quốc tế. Hai thách thức lớn nhất đối với chúng tôi là niềm tin của khách hàng và sự cạnh tranh của thị trường.

Năng lực của chúng tôi đã được kiểm chứng bởi một đơn vị giám định độc lập hàng đầu thế giới, cụ thể là SGC. Với thẻ thành viên đã được xác minh trên sàn, báo cáo đánh giá có thể tải xuống và video nhà máy đã xác minh, gian hàng của chúng tôi nhận được lưu lượng truy cập lớn và sự tin tưởng cao từ bạn hàng quốc tế.

Khi doanh nghiệp trở thành nhà cung cấp được xác minh, số lượng đơn đặt hàng sẽ tăng trưởng vượt bậc. Hiện nay, sản lượng đang gấp sáu lần trung bình ngành hàng. Chúng tôi đạt được giá trị giao dịch 5 triệu USD trước khi năm tài chính 2022 kết thúc.

Bà Hoàng Thanh Tâm, Giám đốc điều hành Công ty Indochina Creative Investment & Development JSC

Hoàng Thanh Tâm, Giám đốc điều hành Công ty Indochina Creative Investment & Development JSC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm