Metro số 2 khởi công một số hạng mục trong năm 2022

Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, cùng với khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng (GPMB), đến nay tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) vẫn chưa thể khởi công. Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết năm 2022, công tác GPMB của tuyến metro số 2 sẽ được hoàn tất. Cạnh đó, MAUR sẽ tiến hành khởi công một số hạng mục quan trọng của dự án.

Cơ bản hoàn thiện giải phóng mặt bằng

Theo ghi nhận của PV, hiện nay dọc tuyến metro số 2 đã cơ bản hoàn thiện công tác GPMB.

Trong đó, trên trục đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3, quận 10, quận Tân Bình), người dân đã bàn giao gần hết mặt bằng cho địa phương. Các hộ dân sau khi bàn giao cũng đã hoàn tất công tác chỉnh trang lại mặt bằng, ổn định kinh doanh. Nhiều ngôi nhà mới, cửa hàng được xây dựng lại, tạo vẻ khang trang cho diện mạo đô thị của TP.

Tuy nhiên, cũng không ít đoạn người dân chưa bàn giao mặt bằng, nhất là khu vực quận 3. Theo đó, tại khu vực này giao thông thường xuyên ùn ứ.

Anh Nguyễn Văn Công (ngụ quận Tân Bình) cho biết anh đã bàn giao mặt bằng cho địa phương khoảng một năm nay. Anh nhận định tuyến metro số 2 là dự án quan trọng, góp phần chỉnh trang đô thị, giải quyết tình trạng ùn ứ giao thông.

“Tôi rất vui vì được góp sức mình vào một đại dự án của TP.HCM. Tôi mong rằng dự án này sớm hoàn thành để tạo điều kiện cho người dân đi lại, phát triển kinh tế TP.HCM và khu vực” - anh Công bày tỏ.

MAUR cho biết tuyến metro số 2 hiện nay đạt hơn 83% khối lượng bàn giao mặt bằng, với tổng diện tích giải tỏa hơn 251.000 m2 với 603 trường hợp bị ảnh hưởng. Tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho dự án hơn 4.350 tỉ đồng.

Công tác giải phóng mặt bằng tuyến metro số 2 sẽ được hoàn tất trong năm nay. Ảnh: ĐÀO TRANG

Đến nay, quận 1 với 29 trường hợp đã bàn giao mặt bằng cho địa phương. Quận 10 có 74 trường hợp bị ảnh hưởng nhưng chỉ còn một hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. Quận 12 và quận Tân Phú, tổng cộng 31 hộ dân cũng đã hoàn thành giao đất. Quận Tân Bình có 356 trường hợp bị ảnh hưởng, hiện còn 17 hộ dân chưa đủ điều kiện lập phương án bồi thường. Đối với 339 trường hợp còn lại ở quận Tân Bình, hiện đã có 307 hộ dân bàn giao.

Trong khi đó, tại quận 3, do pháp lý dự án thay đổi nên địa phương phải cập nhật chính sách bồi thường. Theo đó, phía quận 3 đang trình phương án bồi thường mới và đang chờ phê duyệt nên chưa đủ cơ sở để tiến hành bồi thường, thu hồi mặt bằng và giao cho chủ đầu tư. Đây cũng chính là lý do tuyến metro số 2 chưa thể khởi công trong năm qua.

Thường xuyên báo cáo để được tháo gỡ

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, MAUR cho biết trong năm 2022, tuyến metro số 2 sẽ tiến hành khởi công một hạng mục quan trọng của dự án, trong đó có di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật dọc tuyến. Đây là một công tác quan trọng để chuẩn bị mặt bằng công trường (trên mặt đất và ngầm) cho các hạng mục thi công chính của dự án.

MAUR nhận định công tác GPMB của dự án trong năm 2021 chưa thể hoàn thành như dự kiến, cộng với việc bùng phát dịch COVID-19 đã phần nào ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Bên cạnh đó, công tác thu xếp tài chính để ký kết các khoản vay với các nhà tài trợ cũng đang chậm trễ do những thay đổi về pháp lý từ phía Việt Nam cũng như từ phía các nhà tài trợ.

Trước những khó khăn trên, MAUR đã thường xuyên có các báo cáo gửi UBND TP.HCM để được chỉ đạo tháo gỡ. Trong đó, MAUR cũng lập kế hoạch cụ thể về các mốc tiến độ dự án và giải pháp chi tiết để thực hiện. UBND TP.HCM cũng đã tổ chức các cuộc họp định kỳ để có chỉ đạo tháo gỡ kịp thời các vướng mắc của dự án.

Hiện tại MAUR đang tích cực làm việc với các nhà tài trợ và báo cáo các bộ, ngành để thực hiện các thủ tục ký kết các khoản vay mới theo phương án tài chính mới của dự án. Đồng thời đang chuẩn bị cho công tác lựa chọn tư vấn quốc tế thực hiện quản lý, giám sát thi công các gói thầu chính của tuyến metro số 2.

Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành công tác GPMB và tổ chức khởi công hạng mục di dời hạ tầng kỹ thuật vào quý II-2022. Việc tuyển chọn tư vấn quốc tế cũng được thực hiện trong năm 2022. Giai đoạn 2023-2024 lựa chọn nhà thầu thi công, giai đoạn 2025-2030 tổ chức thi công và đưa vào vận hành khai thác.•

Rút kinh nghiệm từ metro số 1, Cát Linh - Hà Đông

Từ dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), tuyến Cát Linh - Hà Đông (của TP Hà Nội), MAUR đã thường xuyên thực hiện các chuyên đề nội bộ để trao đổi và rút kinh nghiệm cho tuyến metro số 2 cũng như các dự án metro tiếp theo.

Trong đó, công tác về pháp lý dự án cần phải được đảm bảo, đặc biệt công tác GPMB cần được hoàn thành trước khi các nhà thầu quốc tế triển khai thi công. Từ đó, tiến độ thực hiện dự án mới đảm bảo được diễn ra thuận lợi, tránh các vấn đề khiếu nại.

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề quan trọng khác cũng được rút kinh nghiệm như quản lý hợp đồng, di dời hạ tầng kỹ thuật, thiết kế vận hành…

TS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, nhận định mặt bằng sạch là một trong những yếu tố để đưa dự án đó về đích đúng tiến độ. Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần rút kinh nghiệm, chỉ khởi công khi dự án đã có mặt bằng sạch. Tránh tình trạng thi công cầm chừng, làm đội vốn, gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm