Mở cửa du lịch Việt Nam còn chậm, chưa thông thoáng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Ngày 1-4, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2022, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch tổ chức diễn đàn Phục hồi du lịch Việt Nam - Định hướng mới, hành động mới.

Chính sách cấp thị thực nhập cảnh của Việt Nam chưa đủ sức hấp dẫn

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đoàn Văn Việt nhận định, giống như việc phục hồi kinh tế - xã hội của đất nước sau đại dịch, việc phục hồi cơ sở vật chất kỹ thuật trong ngành du lịch, phục hồi các sản phẩm, dịch vụ du lịch và nguồn nhân lực đòi hỏi nỗ lực, thời gian cũng như sự đầu tư của toàn ngành.

Các đại biểu cũng cho rằng, mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho du lịch nhưng để ngành Du lịch rút ngắn thời gian phục hồi, nhanh chóng vào giai đoạn phát triển thì cần có thêm nhiều giải pháp đồng bộ hơn.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Ban Pháp chế (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) đánh giá so với các nước trong khu vực, chính sách cấp thị thực nhập cảnh của Việt Nam chưa đủ sức hấp dẫn du khách, làm giảm tính cạnh tranh trực tiếp của du lịch Việt với các thị trường lân cận.

Cụ thể, nếu như đa phần các quốc gia khác trong khu vực đã áp dụng chính sách miễn thị thực cho du khách quốc tế nhập cảnh từ 30 ngày trở xuống, thì Việt Nam là một trong số ít quốc gia ở Đông Nam Á vẫn yêu cầu xin thị thực đối với hầu hết các khách du lịch.

"Việt Nam chỉ áp dụng miễn thị thực cho khách du lịch trong thời gian ngắn bằng 15-50% so với Singapore, Malaysia, Thái Lan, Phillipines, Indonesia…"- ông Tuấn nói.

Các đại biểu thảo luận tại diễn đàn. Ảnh: VT

Cũng theo ông Tuấn, hiện nay để thu hút khách du lịch, nhiều quốc gia có nền du lịch cạnh tranh như Thái Lan, Singapore đã áp dụng quy trình cấp thị thực thấp và thủ tục công khai trên nền tảng điện tử.

Trong khi đó, chi phí thị thực du lịch cấp khi nhập cảnh tại cửa khẩu của Việt Nam cao gần gấp hai lần so với các nước như: Campuchia, Lào hay Indonesia.

Các thông tin về xin cấp thị thực nhập cảnh Việt Nam đều ít được tổng hợp công khai, rõ ràng trên bất kỳ một cổng thông tin điện tử chính thức, gây ra những hạn chế lớn về tính minh bạch và sự cởi mở, linh hoạt, thu hút của nền du lịch Việt Nam đối với khách du lịch quốc tế.

Ông Tuấn cũng bày tỏ, quy định về thời hạn tạm trú với khách du lịch quốc tế cũng chưa hợp lý. Hiện thời hạn tạm trú của người nước ngoài nhập cảnh với thị thực có ký hiệu DL (du lịch) là tối đa 30 ngày. Như vậy, cho dù du khách du lịch có xin được thị thực thời hạn là 3 tháng, thì họ cũng chỉ được tạm trú liên tục trên Việt Nam là 30 ngày.

Doanh nghiệp và ngành du lịch đã sẵn sàng

Trình bày tham luận tại hội nghị, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định: “Đến thời điểm này doanh nghiệp và ngành du lịch đã sẵn sàng. Thời gian tới, hy vọng các cấp, ban ngành sẽ có những chính sách quyết liệt, hỗ trợ du lịch rút ngắn giai đoạn phục hồi bước vào giai đoạn phát triển, bứt phá”.

Theo người đứng đầu Tổng cục Du lịch, về đi lại quốc tế, đến hết năm 2021 nhiều quốc gia đã bắt đầu mở cửa trở lại một phần hoặc toàn bộ hoạt động du lịch, hàng không quốc tế do vaccine được tiêm phủ cao. Tuy nhiên, các quy định liên quan đến việc xét nghiệm, hộ chiếu vaccine và việc đi lại giữa các nước vẫn bị hạn chế trong bối cảnh xuất hiện biến chủng Omicron và các biến chủng mới gần đây.

Về hành vi tiêu dùng của khách du lịch, theo ông Nguyễn Trùng Khánh, xu hướng lựa chọn các điểm đến du lịch an toàn, du lịch xanh, du lịch sinh thái và các điểm nghỉ dưỡng cách biệt tăng lên sau đại dịch. Xu hướng đi du lịch đến các điểm đến gần, đi theo nhóm nhỏ hoặc nhóm gia đình tiếp tục là lựa chọn của nhiều khách du lịch trong năm 2022.

 Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch trình bày tham luận tại diễn đàn. Ảnh: VT

Ông Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, trước mắt, du lịch Việt Nam cần tập trung khai thác tốt các thị trường truyền thống, các thị trường đã phục hồi kết nối hàng không và khôi phục chính sách visa như trước đại dịch, các thị trường đã cho phép công dân đi du lịch nước ngoài.

Một số thị trường cụ thể tại Đông Bắc Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), chuẩn bị kế hoạch xúc tiến thị trường Trung Quốc khi điều kiện cho phép; thị trường Nga, các thị trường Tây Âu và Bắc Âu đã được miễn visa đơn phương; thị trường Austraylia, Newzealand và thị trường Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, Bắc Mỹ, Trung Đông và Ấn Độ cũng là các thị trường đã hầu như mở hoàn toàn đối với du lịch quốc tế. Tuy nhiên, việc kết nối đường bay cần thời gian để phục hồi và phát triển.

Xác định Thái Lan là "đối thủ" trực tiếp cạnh tranh của du lịch Việt Nam, song Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh thừa nhận, các chính sách mở cửa du lịch của Việt Nam đang bị chậm hơn so với nước bạn cũng như các thị trường trong khu vực.

"Chúng tôi nhận được nhiều phản hồi cho rằng ngành du lịch Việt Nam mở cửa còn rụt rè nhưng thực tế du lịch đã rất quyết liệt và cố gắng. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực vì thế để tạo được sự bứt phá cần sự vào cuộc, chung tay của các bên liên quan"- ông Khánh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm