Mở cửa du lịch quốc tế: Đừng rụt rè

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau khi Việt Nam chính thức mở cửa du lịch quốc tế từ ngày 15-3, các công ty lữ hành đều phấn khởi và sẵn sàng phục vụ du khách. Hàng loạt tour du lịch đã được các công ty tung ra để mời gọi du khách quốc tế. Tuy vậy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam dù có tăng nhưng vẫn còn khá khiêm tốn.

Còn nhiều vướng mắc

Ngày 27-3 vừa qua, hai chuyến bay chở khách từ Singapore và Thái Lan lần đầu tiên trở lại Đà Nẵng sau khi TP mở cửa bầu trời quốc tế. Nhiều hành khách bất ngờ và xúc động với màn tiếp đón đặc biệt từ nhà ga hành khách quốc tế Đà Nẵng.

“Được bạn bè giới thiệu Đà Nẵng có bãi biển đẹp nên tôi muốn đến đây trải nghiệm sau một thời gian dài ngành hàng không bị đóng băng bởi COVID-19. Mặc dù mới đặt chân đến Việt Nam nhưng tôi thấy mọi người ở đây ai cũng gần gũi và thân thiện” - chị Stephan Janai, du khách Mỹ, xúc động.

Đây là thời điểm tốt để Việt Nam mở cửa du lịch rộng hơn, mạnh mẽ hơn.Trong ảnh: Du khách quốc tế đến sân bay Đà Nẵng. Ảnh: BÙI TOÀN

Khách quốc tế tăng

Tổng cục Thống kê cho biết khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3 tăng 41,4% so với tháng trước và gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân do Việt Nam đã mở cửa du lịch, nhiều đường bay quốc tế được khôi phục. Tính chung quý I-2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 91.000 lượt người, tăng 89,1% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho rằng việc mở cửa du lịch Việt Nam từ ngày 15-3 là dấu mốc hết sức quan trọng. Bởi việc mở cửa trở lại không chỉ khôi phục nền kinh tế mà còn khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện. Từ đó góp phần nâng cao vị thế du lịch Việt Nam trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới cũng đang khôi phục du lịch. 

Không chỉ Đà Nẵng mà nhiều địa phương khác cũng đang nỗ lực đón khách quốc tế, đặc biệt là các công ty lữ hành. Tuy vậy, họ đang gặp không ít trở ngại. Ông Trần Xuân Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Viking, nhận xét hiện nay các đường bay quốc tế đi - đến Indonesia vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. Chẳng hạn đường bay thẳng TP.HCM - Jakarta dự kiến đến tháng 7 mới khôi phục trở lại.

Đây là rào cản đối với các công ty lữ hành trong việc đón khách từ thị trường Indonesia và một số thị trường khác. Rào cản tiếp theo là du khách phải xét nghiệm PCR hoặc test nhanh COVID-19. Ví dụ trước ngày về nước, du khách phải xét nghiệm PCR và cần chờ ít nhất 12 giờ mới có kết quả.

“Điều này buộc du khách phải ở lại một đêm, từ đó làm phát sinh chi phí ăn ở, thời gian. Đó là chưa kể kết quả xét nghiệm do cơ quan y tế nào cấp có giá trị vẫn chưa rõ ràng” - ông Hùng băn khoăn.

Ngoài ra, tại thời điểm này, các đối tác trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch như nhà hàng, khách sạn mới chỉ hoạt động 30%-40% do còn thiếu nhân sự, thậm chí có đơn vị vẫn đang đóng cửa. Ví dụ tại Quảng Nam, dịch vụ chèo thuyền thúng đang hoạt động cầm chừng.

Đại diện một công ty du lịch khác cũng cho hay Việt Nam đã mở cửa du lịch nhưng vẫn còn một số rào cản, trong khi các nước đã cởi mở hơn nhiều. Đơn cử, Úc đã bỏ quy định xét nghiệm PCR đối với du khách.

Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Giám đốc Công ty Du lịch Red Phú Quốc, thông tin đầu tháng 4 này công ty sẽ đón đoàn khách Hàn Quốc và một số quốc gia khác đến Phú Quốc. Tuy nhiên, để phục hồi thị trường khách quốc tế cần có thời gian vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ví dụ Hàn Quốc hiện vẫn còn quy định một số trường hợp người dân khi đi du lịch nước ngoài trở về phải cách ly tại nhà bảy ngày.

“Điều này là rào cản để công ty Việt Nam thu hút khách đến du lịch quốc tế” - ông Huy nói.

Sôi động du lịch trong nước

Ông Vũ Hải Sâm, Phó Giám đốc Khối du lịch nội địa lữ hành Saigontourist, nói dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay trùng vào các ngày cuối tuần, thời gian nghỉ kéo dài nên công ty đã thiết kế các sản phẩm phù hợp giúp du khách có một kỳ nghỉ trọn vẹn.

Đồng thời, để kích cầu du lịch trong nước dịp lễ này, công ty đưa ra hàng loạt tour khởi hành trên toàn quốc. Đặc biệt, tour khởi hành từ TP.HCM và Cần Thơ giá khuyến mãi chỉ từ 2,39 triệu đồng. “Chúng tôi kỳ vọng phục vụ hơn 12.000 khách, bao gồm khách doanh nghiệp, khách cá nhân trong dịp nghỉ lễ này” - ông Sâm nói.

Ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Phú Quốc, nhìn nhận thị trường du lịch nội địa đang rất sôi động. Từ đó có thể “nuôi sống”, giúp các công ty phục hồi nhanh. Đặc biệt, mặc dù xăng dầu tăng cao nhưng giá tour dịp lễ 30-4 năm nay tăng không cao hơn so với năm ngoái. 

Phải cởi mở hơn

Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang, kỳ vọng lượng khách quốc tế đến Việt Nam nhiều vào mùa hè hoặc đầu năm 2023 nếu chính sách mở cửa thoáng hơn, cởi mở hơn và táo bạo hơn. Bởi hiện nay Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho công dân 13 quốc gia và số ngày lưu trú chỉ tối đa 15 ngày. Như vậy là vẫn quá thận trọng.

“Tôi cho rằng Việt Nam phải tăng số lượng nước mà công dân được miễn thị thực, đồng thời tăng số ngày lưu trú. Cụ thể là kéo dài thời gian lưu trú từ 15 ngày lên 30 ngày. Song song đó, Việt Nam nên mở rộng miễn visa đơn phương cho các thị trường tiềm năng như Úc, Ấn Độ, Canada…” - ông Thành nhấn mạnh.

Lãnh đạo Công ty Du lịch Liên Bang cũng cho rằng Việt Nam có thể bỏ yêu cầu du khách phải xét nghiệm vì từ hôm nay (1-4), một số quốc gia sẽ bỏ hẳn quy định này. Ngoài ra, cần nâng cấp app PC-Covid lên phiên bản tiếng Anh, đồng thời cho phép du khách đăng nhập bằng địa chỉ email, mạng xã hội thay vì chỉ bằng số điện thoại như hiện nay. Bởi có trường hợp sau khi nhập cảnh, du khách đăng nhập khai báo y tế qua app PC-Covid nhưng chưa có SIM Việt Nam thì không nhận được mã OTP.

Nhiều chuyên gia và công ty du lịch cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia phủ vaccine rộng nhất. Vì vậy, nếu nước ta dứt khoát trong mở cửa và nới lỏng các thủ tục về thị thực thì đây là cơ hội rất tốt để ngành du lịch Việt khôi phục vị thế, năng lực cạnh tranh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm